Sau nhiều tháng luyện tập, vở chèo “Trọn đời vì nước non” (tác giả kịch bản: Lê Thế Song; đạo diễn: NSND Tự Long; chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Diệu Hằng; âm nhạc: Nhạc sĩ Dương Thanh Nam; thiết kế mỹ thuật: Họa sĩ Đặng Minh Tuấn; biên đạo múa: NSƯT Thanh Nam) do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng, tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 đã xuất sắc giành Huy chương Bạc và nhiều giải thưởng cho cá nhân.
Một cảnh diễn trong vở chèo “Trọn đời vì nước non”. |
Vở chèo “Trọn đời vì nước non” là công trình nghệ thuật được đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, sáng tạo trong cách tiếp cận nội dung, dàn dựng cũng như xử lý nghệ thuật. Vở diễn khắc họa hình tượng người con ưu tú của quê hương Nam Định - đồng chí Đặng Xuân Khu - Tổng Bí thư Trường Chinh. Vở diễn lấy bối cảnh ở quãng thời gian từ khi người thanh niên yêu nước Đặng Xuân Khu rời quê hương làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) bước vào con đường hoạt động cách mạng đến thời kỳ tiền khởi nghĩa. Mở đầu vở diễn là cảnh đồng chí Đặng Xuân Khu lãnh đạo cuộc bãi khóa ở Nam Định để truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh, sau đó ông bị thực dân Pháp truy lùng. Ông đã lên Hà Nội để hoạt động cách mạng. Trong khoảng thời gian đó, ông bị địch bắt giam, tra tấn dã man tại Nhà tù Hỏa Lò, rồi bị đày lên Nhà tù Sơn La. Những năm tháng lao tù đọa đày khổ ải đã không làm lung lạc ý chí kiên định, niềm tin vào lý tưởng cách mạng; lòng yêu nước, thương dân và niềm lạc quan. Trong tù, đồng chí Đặng Xuân Khu đã ra sức truyền bá tư tưởng, đường lối cách mạng của Đảng. Tại các nhà tù, đồng chí Đặng Xuân Khu cùng nhiều tù nhân chính trị khác bị bọn cai ngục quản thúc chặt chẽ, bắt đi lao dịch. Bị lao động nặng nhọc, ăn uống kham khổ, song không vì thế mà đồng chí và những người cộng sản kiên trung giảm đi tinh thần, ý chí đấu tranh, lòng quyết tâm giải phóng dân tộc. Không chỉ đấu tranh với kẻ thù, làm chúng kinh sợ, đồng chí Đặng Xuân Khu còn khiến đám cai ngục cảm phục, từ đó họ được cảm hóa và đi theo con đường cách mạng. Khoảng thời gian trong tù, đồng chí đã thành lập chi bộ nhà tù, vận động các tù nhân chính trị khác tham gia hoạt động cách mạng và kết nạp đảng viên trong nhà tù. Phong trào đấu tranh phản chiến tranh của nhân dân Pháp mạnh, toàn quyền Pháp phải ký quyết định trả tự do cho các tù nhân. Dù trả tự do nhưng giặc Pháp không cho các chiến sĩ của ta về bằng đường bộ mà bắt đồng chí Đặng Xuân Khu cùng các đồng chí khác về bằng đường sông nước. Rất ít người có thể trở về an toàn bằng cách này nhưng với sự giúp đỡ của người dân, ông và các đồng chí, đồng đội của mình đã trở về Hà Nội an toàn.
Vở chèo “Trọn đời vì nước non” ca ngợi cuộc đời của đồng chí Đặng Xuân Khu - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà chính trị, tư tưởng, nhà lý luận, nhà lãnh đạo, nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ… suốt đời sống, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Làm nên sức hấp dẫn của vở diễn là những đóng góp của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên. Với “Trọn đời vì nước non”, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã “khoe” được thực lực của đội ngũ các nghệ sĩ, diễn viên chèo hùng hậu, đặc biệt là 3 nghệ sĩ sở hữu giọng ca đầy nội lực là Xuân La (vai đồng chí Đặng Xuân Khu), Thu Phương (vai bà Minh - vợ đồng chí Đặng Xuân Khu), NSƯT Ngọc Hùng (vai cụ Đặng Xuân Viện - cha của đồng chí Đặng Xuân Khu). Với lối diễn xuất tốt, các nghệ sĩ đã thể hiện được rõ nét tính cách của từng nhân vật. Trong đó, nghệ sĩ Xuân La đã khắc họa rõ nét chân dung vị lãnh tụ Trường Chinh với đầy đủ tài, trí, đức, nhân, tâm; nghệ sĩ Thu Phương đã cho người xem thấy được những phẩm chất cao đẹp của người vợ - người phụ nữ Việt Nam thảo hiền, hết lòng vì gia đình, sẵn sàng hy sinh vì đại nghiệp giải phóng dân tộc. Những câu thoại giàu giá trị tư tưởng của nhân vật Đặng Xuân Khu trong vở diễn như: “Tôi đi về phía mặt trời, đi để tìm chân lý, đi để cứu nước, cứu dân, tôi đi làm cách mạng”, “con đường cách mạng còn gian khó nguy nan, nhưng tôi sẽ đi và sẽ đến, với một niềm tin son sắt, trong lòng tôi như có ngọn lửa thúc giục”…, kết hợp những “lát cắt” có chiều sâu của vở diễn đã khắc họa chân thực những phẩm chất kiên trung, anh dũng, chân dung người chiến sĩ cộng sản.
“Trọn đời vì nước non” là vở diễn mang đề tài chính luận về lịch sử cách mạng nhưng không vì thế mà vở diễn trở nên khô cứng, giáo điều. Trong vở diễn, đạo diễn, tác giả và ê kíp đã sáng tạo, tính toán để gửi đến khán giả câu chuyện dung dị, chân thực. Có những chi tiết không được ghi lại trong lịch sử nhưng từ những tư liệu sưu tầm được của gia đình Tổng Bí thư Trường Chinh, tác giả đã đưa vào kịch bản nhằm khắc họa sâu sắc hơn vẻ đẹp vừa vĩ đại vừa gần gũi của người chiến sĩ cộng sản Đặng Xuân Khu - người con ưu tú của quê hương. Qua vở diễn ta thấy kịch bản của tác giả Lê Thế Song đã được bàn tay của đạo diễn, NSND Tự Long xử lý rất khéo léo. NSND Tự Long đã cùng các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, kết hợp với lớp nghệ sĩ trẻ, triển vọng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã tạo được nhiều mảng, miếng lôi cuốn người xem qua các trường đoạn, ca kịch đặc sắc. Thưởng thức vở diễn, khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ hồi hộp, lo lắng cho đồng chí Đặng Xuân Khu sẽ bị địch bắt, rồi khâm phục tinh thần, ý chí chiến đấu của ông dù chịu nhiều hình thức tra tấn dã man nhưng vẫn một mực giữ im lặng, đến khí thế sôi sục, hào hùng khi ông cùng các đồng chí, đồng đội vượt thác ghềnh trở về Hà Nội.
Đảm nhận vai trò đạo diễn, NSND Tự Long đã phát huy được thế mạnh của mình khi khéo léo lồng gắn những chi tiết hài hước nhẹ nhàng kết hợp những cảnh diễn giàu chất trữ tình như: cảnh cai ngục chép thơ, xin thơ của đồng chí Đặng Xuân Khu; cảnh vợ chồng ông tái ngộ sau nhiều năm xa cách; cảnh ông bồi hồi đọc thư con; cảnh ông và cha chia tay để ông đi hoạt động cách mạng… đã khiến mạch diễn trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển, xúc động, sâu lắng. Cảnh diễn 2 cai ngục tay sai của thực dân Pháp xin được chép thơ, cảm phục và đi theo đồng chí Đặng Xuân Khu là chi tiết đắt giá của vở diễn, được các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát xử lý khéo léo, sử dụng pha lẫn yếu tố ước lệ của nghệ thuật hề chèo, đậm chất nhân văn đã mang đến cho khán giả những tiếng cười nhẹ nhàng. Một tình tiết đầy xúc động nữa là khi đồng chí Đặng Xuân Khu bị giam trong nhà tù Hỏa Lò, giặc Pháp muốn làm lung lạc ý chí của ông bằng cách đưa vợ và con nhỏ vào thăm nhưng ông vẫn kiên định không khai. Tình tiết này một lần nữa làm sáng ngời tinh thần bất khuất, kiên định của đồng chí Đặng Xuân Khu, đồng thời cho thấy sức chịu đựng của người vợ thảo hiền. Một trường đoạn trong vở diễn khiến người xem nghẹn ngào xúc động, lấy nhiều nước mắt của khán giả là cảnh một tù nhân chính trị tên Đức (do nghệ sĩ Trọng Ngời thủ vai) bị địch tra tấn dã man, bị thương nặng ở vùng đầu, trong lúc nửa tỉnh nửa mê, anh nhớ về người vợ trẻ, nhớ đứa con thơ. Anh hỏi đồng đội “Khi tôi bị bắt, con tôi mới chào đời, không biết bây giờ nó lớn chừng nào?”. Nhớ con, vừa khóc anh vừa tưởng tượng mình đang ẵm ru con ngủ. Cả khán phòng lặng đi khi câu dân ca “Con cò bay lả bay la” cất lên. Một cảnh đầy tự hào của vở diễn là hình ảnh bà con các dân tộc giúp các chiến sĩ vượt thác ghềnh, chèo bè nứa, xuôi dòng sông Đà từ Sơn La trở về Hà Nội. Ở tình tiết này, ngôn ngữ múa với đạo cụ là những ống tre, nứa được kết thành bè, khối đã làm bật lên ý nghĩa của sức mạnh đoàn kết quân dân. Hình ảnh đồng chí Đặng Xuân Khu hiên ngang đứng đầu trên bè nứa cùng các đồng chí, anh em và bà con vượt thác ghềnh là hình ảnh mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật đẹp, nói lên được hiện thực lúc bấy giờ - đồng chí Đặng Xuân Khu là một trong những người gánh trọng trách lớn sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc.
NSƯT Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh chia sẻ: “Nam Định là vùng đất hiếu học, sản sinh ra nhiều bậc danh tướng, danh nhân, nhiều lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc; đặc biệt là Tổng Bí thư Trường Chinh, người con ưu tú quê hương Xuân Trường. Là nhà cách mạng, nhà báo, nhà thơ có nhiều đóng góp lớn cho cách mạng, cho đất nước song hình tượng Tổng Bí thư Trường Chinh cho đến nay ít được thể hiện trên sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch hát truyền thống. Vì vậy, vở chèo “Trọn đời vì nước non” là công trình nghệ thuật được tác giả kịch bản, đạo diễn dành nhiều tâm huyết dàn dựng với ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh; qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho người xem, đặc biệt là khán giả trẻ./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin