Bảo tồn và phát huy giá trị các hiện vật lịch sử

09:29, 18/11/2022

Những năm qua, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt công tác sưu tầm, bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát huy giá trị các hiện vật, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Nghệ nhân giới thiệu khách tham quan về trang phục trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.
Nghệ nhân giới thiệu khách tham quan về trang phục trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.

Nâng cao năng lực bảo tồn

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ trên 24 nghìn tài liệu, hiện vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu. Trong đó có 4 nhóm hiện vật Bảo vật quốc gia gồm: bộ chân đèn và lư hương thời Mạc, tay vịn thành bậc thời Lý, mô hình nhà thời Trần. Ngoài ra còn nhiều hiện vật quý hiếm như: điêu khắc đá tháp Chương Sơn thời Lý, đất nung Ngô Xá (thế kỷ XI-XII); gốm hoa nâu thời Trần; gốm sành thời Trần (thế kỷ XIII-XIV); tượng Linh vật nghê... Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Để bảo quản các hiện vật, Bảo tàng tỉnh bố trí cán bộ kỹ thuật và đầu tư trang bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu công tác bảo quản, phiên bản hiện vật. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh thường xuyên cử cán bộ tham gia các đợt tập huấn, chương trình bảo quản hiện vật do Cục Di sản và Bảo tàng lịch sử quốc gia tổ chức. Hiện nay, 100% tài liệu, hiện vật được bảo quản định kỳ, bảo quản phòng ngừa. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã bảo quản trị liệu được 603 hiện vật gồm nhiều chất liệu khác nhau. Trong đó, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức thực hiện thành công Dự án “Bảo tồn sưu tập đồ thờ bằng gỗ thế kỷ XVII-XVIII tại Bảo tàng Nam Định” với kinh phí 30 nghìn USD do Quỹ Đại sứ bảo tồn văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tài trợ. Dự án đã thực hành bảo quản trị liệu 57 hiện vật. Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với nghệ nhân làng nghề Sơn mài Cát Đằng thực hành bảo quản 2 cánh cửa gỗ thời Trần, sưu tầm tại Chùa Phổ Minh và nhiều hiện vật chất liệu gỗ. Đối với hiện vật chất liệu giấy, đơn vị đã thực hành bảo quản trị liệu với hiện vật của Bảo tàng và giúp các địa phương bảo quản hàng trăm sắc phong, tài liệu Hán, Nôm lưu giữ tại các di tích. 

Để bảo tồn những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật và làm phong phú thêm nhiều loại hình chất liệu hiện vật, Bảo tàng tỉnh đã đổi mới phương thức sưu tầm với các nội dung: sưu tầm theo chuyên đề; sưu tầm về các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội; tiếp nhận từ nguồn khai quật khảo cổ; các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Các chuyên đề sau khi sưu tầm đều được nghiên cứu, trưng bày, triển lãm phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh. Hiện nay, các gian trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh gồm: “Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân Nam Định”; “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự quan tâm của Bác với Đảng bộ và nhân dân Nam Định”; “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị”; “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; “Những kỷ vật đi cùng năm tháng”... 10 năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận hơn 20 đợt hiến tặng với hàng nghìn hiện vật từ các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh. Các hiện vật được Bảo tàng tỉnh tiếp nhận đều được bảo quản tốt nhằm phục vụ công tác nghiên cứu lâu dài và phát huy giá trị tài liệu hiện vật, ngăn ngừa những tác động từ môi trường. 

Phát huy giá trị các hiện vật

Để phát huy giá trị các hiện vật, Bảo tàng tỉnh đã đầu tư mới cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện các nội dung trưng bày; thành lập bộ phận tuyên truyền giáo dục; xây dựng các Đề án: “Tổ chức các trò chơi dân gian và tìm hiểu kiến thức lịch sử văn hoá cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh Nam Định” và “Tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Nam Định”. Hiện nay, hoạt động giáo dục của Bảo tàng tỉnh được tổ chức với nhiều nội dung đa dạng, phong phú. Trong đó, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức hướng dẫn du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử xã hội tỉnh; tìm hiểu các gian trưng bày chuyên đề. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức các chương trình giáo dục như: trải nghiệm vấn khăn, mặc trang phục một số giá đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; thi tìm hiểu phong tục Tết cổ truyền, Tết Trung thu của người Việt; thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương bằng hình thức trắc nghiệm... Hàng năm, Bảo tàng tỉnh đón khoảng 12 nghìn lượt khách là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 9.000 lượt học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Khách tham quan, đặc biệt là giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh học sinh đã có những phản hồi tích cực sau khi tham gia các hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng. Em Trần Thị Lan Hương, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: “Em rất vui và tự hào vì là một người con của đất Thành Nam. Qua tìm hiểu các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh, chúng em hiểu thêm về lịch sử quê hương.

Chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông ta”. Cô giáo Trần Thị Thu Hằng, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (thành phố Nam Định) chia sẻ: “Khi đến Bảo tàng tỉnh, cô và trò chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô, cách bài trí khoa học của phòng trưng bày... Việc tổ chức các buổi ngoại khóa để các em học sinh tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh là cách giáo dục lịch sử hiệu quả, thiết thực nên được nhân rộng”.

Trước xu thế của thời đại công nghệ thông tin, những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ. Các phòng trưng bày được bổ sung những phương tiện hiện đại; đội ngũ cán bộ bảo tàng khi xây dựng đề cương, giải pháp mỹ thuật, vẽ trưng bày đều thao tác thành thạo trên máy vi tính. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã mở trang thông tin điện tử: “baotangtinhnamdinh.vn”; trang bị máy tra cứu thông tin hiện vật 3D kết nối với phân hệ phần mềm không gian ảo. Ngoài cung cấp các thông tin về hoạt động bảo tàng, website “baotangtinhnamdinh.vn” còn tích hợp ứng dụng tham quan bảo tàng ảo 3D. Với công nghệ này, người dùng chỉ cần truy cập vào địa chỉ trang web, chọn mục “Trưng bày/tham quan 3D” rồi click chuột theo hướng dẫn có sẵn để thưởng lãm toàn bộ không gian bảo tàng và tìm hiểu về từng khu vực trưng bày hiện vật. Cùng với hoạt động của website, máy tra cứu thông tin hiện vật 3D được đặt ở khu vực trưng bày Bảo tàng tỉnh giúp khách tham quan xem xét kỹ từng chi tiết hiện vật trong không gian 3 chiều với độ chính xác cao. Việc tương tác giúp cho người xem trực tiếp và chủ động hơn trong việc thu nhận thông tin về hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Với vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, đội ngũ cán bộ được đào tạo đúng chuyên môn, hệ thống trưng bày có nhiều đổi mới, Bảo tàng tỉnh đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị hiện vật. Qua đó, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan học tập của công chúng về di sản văn hóa; là điểm đến hấp dẫn của du khách khi về Thành Nam văn hiến./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com