Phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

16:49, 02/02/2024

Chiều 2-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã chủ trì phiên họp trực tuyến toàn quốc thứ 7 của BCĐ. 

Chiều 2/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CCHC tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Lê Đoài, Hà Lan Anh; thành viên BCĐ CCHC của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Nam Định.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

 Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, tạo sự thông thoáng về cơ chế, chính sách, kịp thời hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được chú trọng, quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh; các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục chuyển biến tích cực, rõ nét, bao gồm: Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; việc hoàn thiện thể chế về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức viên chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong năm 2023, tổng số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật là 17.808 người; số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được Chính phủ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt...

Năm 2024, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ xác định sẽ tập trung thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định, cắt giảm những TTHC, điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tập trung triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06...

Tại Phiên họp, đại diện các bộ, ban, ngành địa phương đã phát biểu ý kiến chỉ rõ bất cập, vướng mắc trong công tác CCHC; đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để nâng cao hiệu quả CCHC trong năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2023, công tác CCHC đã tạo giá trị mới, động lực mới, khí thế mới cho giai đoạn tiếp theo. Nhằm tạo chuyển biến tích cực hơn trong công tác CCHC năm 2024, các bộ, ngành, các địa phương cần sớm tháo gỡ, khắc phục triệt để các bất cập còn tồn tại trong CCHC. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC. Tăng cường công tác tuyên truyền về CCHC; đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra; cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách TTHC tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chú trọng rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện. Tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch đã phê duyệt./.

Tin, ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com