Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai vừa thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Năm 2023, tổng vốn đầu tư công được Chính phủ giao tỉnh Đồng Nai gần 13 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 2-8, tỷ lệ giải ngân mới đạt gần 2.400 tỷ đồng, đạt hơn 18% so với kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân này đang thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước (hơn 35%). Đáng chú ý, có đến 20 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh, trong đó, có 7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0%.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công do sự phối hợp chưa tốt giữa các chủ đầu tư với UBND cấp huyện và các sở, ngành trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án. Một nguyên nhân nữa đã tồn tại nhiều năm là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm nên dự án không xây dựng được.
Hà Nội: Mở lại tuyến xe khách Trung Quốc - Việt Nam
Mỗi ngày sẽ có 1 chuyến chở khách liên vận từ bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) đi bến xe tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) và ngược lại, trung bình một chuyến đi kéo dài khoảng 9 tiếng.
Việc mở lại tuyến xe khách liên vận vừa được Cục Đường bộ Việt Nam thông báo bằng văn bản gửi các Sở GTVT Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh thông báo việc Công ty hữu hạn Tập đoàn vận tải ô tô Vận Đức Quảng Tây (Công ty Vận Đức) tổ chức chạy tuyến vận tải hành khách Nam Ninh - Hà Nội sau thời gian dừng hoạt động do đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, xe sẽ chạy xuyên suốt từ Hà Nội qua các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn (qua cửa khẩu Hữu Nghị) và sang thẳng Nam Ninh (Trung Quốc), hành khách không cần phải chuyển xe quá cảnh nên rất thuận lợi.
Được biết, đây là tuyến xe khách liên vận quốc tế đến Trung Quốc đầu tiên được mở lại từ tháng 2-2020. Trước đây hàng ngày có nhiều chuyến xe khách liên vận từ Hà Nội đến Nam Ninh, Quảng Châu và ngược lại.
Bình Phước: Tăng cường quản lý mã vùng trồng, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết, trong tháng 7-2023, trên địa bàn có 23 mã số vùng trồng được cấp cho các hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có 21 mã số vùng trồng sầu riêng với 695ha, sản lượng 13.912 tấn/năm; có 2 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số, với công suất đóng gói từ 60-300 tấn/ngày.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã có tổng cộng 48 mã số vùng trồng được cấp chứng nhận, với tổng diện tích 3.800ha, sản lượng 134.753 tấn nông sản/năm. Nông sản từ vùng trồng được cấp chứng nhận của Bình Phước được xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong số 48 mã số vùng trồng được cấp, cây sầu riêng có 38 mã số, thanh long 1 mã số, nhãn 1 mã số, xoài 1 mã số, chuối 4 mã số và mít 3 mã số.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14.423ha diện tích trồng cây ăn trái. Riêng diện tích trồng cây sầu riêng khoảng 4.800ha; trong có khoảng 2.300ha cho sản phẩm, năng suất khoảng 95 tạ/ha, sản lượng 21.800 tấn/năm. Tỉnh định hướng phát triển diện tích trồng sầu riêng lên 8.000-10 nghìn ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin