Ninh Bình: Đẩy nhanh tiến độ thi công Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm

07:45, 08/03/2023

Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thuộc Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ (CRUIV) nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng và cải thiện năng lực để ứng phó với những tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu. Dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 23-8-2019.

 Tiểu dự án có tổng mức đầu tư 881,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2020-2024. Quy mô dự án gồm 2 hợp phần là cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị và hỗ trợ kỹ thuật. Thực hiện Tiểu dự án, các ban ngành của tỉnh, huyện Kim Sơn và chủ đầu tư Ban quản lý dự án các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp đã vào cuộc tích cực. Đến nay Tiểu dự án đã thực hiện xong công tác đấu thầu xây lắp, tư vấn giám sát và tiến hành thi công. Theo sự chỉ đạo của chủ đầu tư, thời gian tới đơn vị thi công tiếp tục thi công đoạn tuyến thứ nhất, đồng thời tổ chức thi công các đoạn tuyến tiếp theo gồm các hạng mục: kè, nạo vét 3 tuyến sông Lưu Phương, Phát Diệm, Tân Thành từ Quốc lộ 21B đến cuối tuyến, hạ tầng trạm xử lý nước thải và trạm trung chuyển rác thải…

Hải Dương: 1.077 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương, từ ngày 28-10-2021 đến ngày 6-3, Hải Dương có 128.578 hộ sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), xếp hạng 19 toàn quốc.

Trong đó có 1.077 sản phẩm được bày bán trên các sàn TMĐT với 35.578 lượt giao dịch. Việc đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT đã giúp các hộ dân mở rộng thị trường tiêu thụ. Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động phối hợp hỗ trợ 162.505 hộ tạo tài khoản, gian hàng trên các sàn TMĐT; ứng dụng, chuyển giao các phần mềm quản lý, dây chuyền sản xuất hiện đại vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm của các hộ dân trong tỉnh tiêu thụ trên các sàn TMĐT còn khiêm tốn. Nguyên nhân do người dân mới tiếp cận sàn TMĐT nên còn nhiều bỡ ngỡ; việc chăm sóc gian hàng chưa được chú trọng; giá bán chưa phù hợp với biến động thị trường...

Bình Định: Chuyển đổi hơn 1.800ha đất lúa sang cây trồng khác

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang cây trồng khác, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản, nhằm tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị sản xuất. Theo đó, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa với diện tích 1.811ha, trong đó chuyển sang trồng cây hàng năm là 1.735ha; còn lại là diện tích trồng cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản… Theo tính toán của ngành nông nghiệp, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang các cây trồng khác tăng thu nhập cho nông dân từ 4-23 triệu đồng/ha. Các mô hình chuyển đổi được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định của UBND tỉnh./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com