Sáng 15-2, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã hoàn tất đóng thùng và vận chuyển ra cảng Hải Phòng 7,5 tấn đậu đũa ngâm muối của Lào Cai lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Theo đó, tại thôn Soi Cờ thuộc xã Gia Phú, bà con nông dân tại đây thực hiện thí điểm mô hình trồng 1ha đậu đũa với 3 giống đỗ gồm: đậu đũa cao sản số 04, đậu đũa cao sản số 09 của Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) và giống đậu đũa cao sản Đài Loan (Trung Quốc). Sản phẩm đậu đũa khi thu hoạch được Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Lục thu mua tại vườn và chế biến thành sản phẩm đậu đũa ngâm muối. Sau khi thành phẩm, đậu đũa ngâm muối được Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam kiểm nghiệm bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và không tồn dư hóa chất. Tiếp đó, sản phẩm đậu đũa ngâm muối được đưa xuống cảng Hải Phòng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Thành phố Hồ Chí Minh: Gần 400 tên đường cần đổi, cập nhật
Hiện nay, hệ thống đường tại Thành phố Hồ Chí Minh là một mạng lưới đồ sộ, phủ chằng chịt khắp trên vùng đô thị, cả vùng phụ cận đang đô thị hóa. Kéo theo đó là hệ thống tên đường rất phức tạp, khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có tên và nhiều đường sẽ xuất hiện do sự phát triển đô thị. Thành phố có 311 đường trùng tên với 132 tên đường; 38 tên đường đặt không chính xác tên nhân vật lịch sử hoặc địa danh; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa; cùng với đó là những tên đường chưa phù hợp, chưa thống nhất ý kiến…
Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao đã có văn bản đề xuất UBND thành phố xem xét điều chỉnh 38 tên đường đặt không chính xác. Các chuyên gia cũng đề xuất, mỗi tên đường có một QR code cung cấp thông tin; mở rộng kho dữ liệu tên đường bằng việc bổ sung thêm tên các nhân vật lịch sử có công với đất nước và các nhân vật có nhiều đóng góp cho lịch sử phát triển của thành phố ở các thời kỳ...
Nghệ An: Thả gần 2 tấn cá giống xuống lưu vực sông Lam để tái tạo nguồn lợi thủy sản
UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức thả cá giống xuống lưu vực sông Lam, thuộc địa phận 3 huyện: Tương Dương, Con Cuông và Đô Lương. Số lượng cá giống được thả lần này là gần 2 tấn, tương đương hơn 400 nghìn con, đều là giống cá truyền thống: Trắm, trôi, mè, chép... Trong đó, huyện Con Cuông 7 tạ; huyện Tương Dương 6 tạ; huyện Đô Lương 6 tạ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Nghệ An thực hiện chương trình thả giống cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống lưu vực sông Lam.
Việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm tuyên truyền bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy sản và nhất là cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề khai thác thủy sản./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin