Sáng 6/12, tại Trung tâm Văn hoá, Thể thao Thanh thiếu niên tỉnh (thành phố Nam Định), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị tập huấn công tác quản lý Nhà nước về lễ hội cho gần 500 lãnh đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; lãnh đạo, cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin các huyện, thành phố; công chức văn hoá các xã, phường, thị trấn; đại diện các Ban tổ chức lễ hội (quản lý, trụ trì, thủ nhang, người trông coi các di tích) trên địa bàn tỉnh.
Nam Định là tỉnh có nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 245 lễ hội truyền thống; trong đó có 6 lễ hội truyền thống cấp huyện, 239 lễ hội cấp xã, 4 lễ hội văn hóa cấp huyện và hàng trăm lễ hội nhỏ. Hoạt động lễ hội trong năm trên địa bàn tỉnh diễn ra phong phú, đa dạng. Năm 2024, tỉnh đã đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước về tham dự và nghiên cứu di sản. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, các lễ hội được tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống. Thông qua tổ chức lễ hội đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân, phần lớn kinh phí tổ chức lễ hội (nhất là lễ hội truyền thống) đều do nhân dân và du khách thập phương tự nguyện đóng góp. Tuy nhiên hoạt động lễ hội vẫn còn một số những mặt hạn chế: do tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ, làm giảm đi giá trị truyền thống của lễ hội; một số lễ hội còn có biểu hiện lãng phí, nạn bán hàng rong, bán sách ngoài luồng, xem tướng số... làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong lễ hội.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã phổ biến Nghị định 110/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội với các nội dung: chính sách của Nhà nước về lễ hội; nguyên tắc tổ chức lễ hội; quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội; trình tự thủ tục hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội các cấp; trách nhiệm quản lý Nhà nước các cấp về lễ hội… Cán bộ, công chức trong toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn được phổ biến các nội dung Nghị định 93/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể.
Hội nghị tập huấn công tác quản lý Nhà nước về lễ hội năm 2024 nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý lễ hội đối với các chủ thể trực tiếp quản lý, bảo vệ di tích và tổ chức lễ hội; trao đổi, học tập kinh nghiệm về đổi mới công tác quản lý Nhà nước về tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của quê hương Nam Định./.
Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin