Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến ngày 29/11, các địa phương trong tỉnh đã trồng được 9.700ha cây rau màu các loại. Trong đó, nhiều nhất là huyện Ý Yên trồng được 1.830ha, tiếp đó là các huyện Hải Hậu 1.800ha, Giao Thủy 1.600ha, Nam Trực 1.250ha, Nghĩa Hưng 1.050ha… Các loại cây rau màu chủ yếu là bí xanh, cà chua, ớt, dưa chuột, ngô, khoai tây, khoai lang và các loại rau…
Cùng với đẩy mạnh kế hoạch gieo trồng, nông dân các địa phương đã thu hoạch được 1.050ha cây rau màu vụ đông sớm. Nhiều nhất là huyện Hải Hậu thu hoạch được 260ha, tiếp đó là các huyện Giao Thủy 215ha, Nghĩa Hưng 120ha, Ý Yên 115ha, Nam Trực 105ha, Trực Ninh 85ha… Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năng suất, sản lượng và giá bán các loại cây vụ đông sớm tương đương vụ đông năm 2023.
Hiện tại các loại cây trồng vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt. Nông dân các địa phương đang tích cực chăm sóc, tập trung làm cỏ, bón phân, tiến hành xáo xới, phá váng khi đất khô, hỗ trợ cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, nông dân tập trung vun gốc cho cây trồng để tạo độ thoáng cho đất, tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân; thường xuyên thăm đồng, theo dõi quá trình sinh trưởng của các loại cây trồng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Các xã, thị trấn, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tiếp tục gieo trồng các cây rau màu ngắn ngày, ưa lạnh và còn trong khung thời vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do mưa bão vừa qua.
Theo dự báo từ nay đến cuối năm, thời tiết còn diễn biến phức tạp, không khí lạnh, rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của một số loại cây trồng. Vì vậy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức thăm đồng điều tra để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh và chủ động đưa ra biện pháp phòng trừ. Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng". Trong vụ đông, người dân cần lưu ý một số đối tượng sâu bệnh trên cây trồng, nhất là sâu keo mùa thu, bệnh huyết dụ trên ngô; bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ trên bí, ớt, dưa chuột... Ngoài ra trên tất cả các loại cây trồng vụ đông, người dân cần chủ động phòng trừ chuột gây hại, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và thu nhập của người sản xuất.
Tin, ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin