Sáng 18/11, Đoàn công tác Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/đi-ô-xin do đồng chí Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về kết quả thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hoá học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.
Các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. |
Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Nam Định có các đồng chí: Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh có liên quan.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Duy Hưng đã báo cáo kết quả Chỉ thị số 43-CT/TW trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Theo đó, việc triển khai và thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã được các cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh đã có 17.154 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được hưởng chế độ của Nhà nước, trong đó có 13.781 nạn nhân trực tiếp, 3.373 nạn nhân gián tiếp. Số người đang hưởng chế độ còn sống 11.484 người (nạn nhân trực tiếp có 9.079 người; nạn nhân gián tiếp 2.405 người). Trong 9 năm qua, đã xét cho 2.736 người được chế độ (nạn nhân trực tiếp 2.649 người, nạn nhân gián tiếp 87 người). Việc triển khai chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Đến tháng 10/2024, tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp đối với 11.484 trường hợp người bị nhiễm chất độc hoá học với hơn 28 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 9 năm qua đã có 120.825 lượt nạn nhân được thụ hưởng các hình thức giúp đỡ, chăm sóc với tổng giá trị quy ra tiền đạt 60,486 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Tại buổi làm việc, tỉnh đã kiến nghị với Đoàn công tác về chế độ chính sách đối với thế hệ thứ 3 do bị di chứng chất độc hóa học từ ông (bà) nội, ngoại. Điều chỉnh bổ sung danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học cho phù hợp với thực tiễn. Đối với nạn nhân đang được hưởng chế độ, nếu mắc bệnh hiểm nghèo đề nghị cho giám định nâng hạng để được hưởng chế độ tương ứng theo mức độ bệnh tật hiện tại. Có hướng giải quyết chế độ cho những đối tượng bị mất giấy tờ gốc, có chế độ cho những người nuôi dưỡng nhiều nạn nhân tàn tật.
Đồng chí Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin Nguyễn Hữu Chính đánh giá cao việc triển khai Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng của tỉnh Nam Định; đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị, trong đó kịp thời phát hiện các đối tượng nhiễm chất độc hóa học để có hướng dẫn hỗ trợ nhận các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; có ý kiến bổ sung những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai các văn bản của Trung ương liên quan đến hỗ trợ nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin; cần tạo điều kiện sinh kế cho các nạn nhân, quan tâm hơn nữa đến hoạt động của tổ chức Hội Nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Quang cảnh hội nghị. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học là trách nhiệm của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và của mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh, trong đó quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43, các nghị quyết, chỉ thị có liên quan nhằm giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng và người khuyết tật trong tỉnh trong tình hình mới. Chú trọng nêu gương những gia đình nạn nhân vượt lên khó khăn bệnh tật hòa nhập cộng đồng để lan tỏa tạo động lực cho các nạn nhân, các gia đình nạn nhân khác cùng vươn lên. Các cơ quan chức năng các cấp tiếp tục rà soát, thẩm định hồ sơ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học khi có đủ điều kiện nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách theo quy định. Kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước liên quan đến chế độ chính sách đối với các nạn nhân phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng, củng cố các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận, chăm sóc các nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin có hoàn cảnh khó khăn; đẩy mạnh phong trào hành động vì nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin, qua đó tăng cường vận động các nguồn lực để nâng cao hiệu quả, hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC/đi-ô-xin. Hội Nạn nhân CĐDC các cấp trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động; chủ động rà soát, nắm bắt diễn biến di chứng da cam các thế hệ 3 và 4 để tích cực tham mưu quan tâm chỉ đạo giải quyết tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội giao nhiệm vụ các tổ chức xã hội phối hợp với các nạn nhân CĐDC để chăm lo, giúp đỡ và thực hiện các chế độ chính sách đối với nhạn nhân CĐDC/đi-ô-xin.
Tin: Hồng Minh
Ảnh: Văn Huỳnh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin