Sáng 3/10, Sở Y tế phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chức tập huấn “Phối hợp liên ngành Y tế - Thú y tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống bệnh dại khu vực miền Bắc năm 2024”.
Quang cảnh lớp tập huấn. |
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người. Nguồn lây chủ yếu dẫn đến tử vong là do bị động vật cắn: chó (80%), mèo (18%) và các động vật hoang dã khác như dơi (1%); chuột, khỉ (1%). Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến hết ngày 21/7/2024, cả nước ghi nhận 57 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 29/63 tỉnh, thành, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại ở người là do người bị chó, mèo mắc dại cắn mà không tiêm phòng huyết thanh kháng dại, không tiêm vắc-xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định... Công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ tiêm vắc-xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi chỉ đạt dưới 10%.
Tại Nam Định, tháng 8/2014, ghi nhận 1 trường hợp tử vong do chó dại cắn tại xã Trực Cường (Trực Ninh). Trong 10 năm qua (2014-2024), toàn tỉnh có 18.324 người tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên người. Từ đầu năm 2024 đến nay, 2.664 người bị động vật cắn; 261 người (là số người có vết cắn nguy hiểm) tiêm huyết thanh kháng dại; 2.664 người tiêm vắc-xin phòng dại; 31.117 con (động vật) được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Tại buổi tập huấn, học viên được chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại tại Việt Nam, khu vực miền Bắc và tại tỉnh Nam Định; công tác giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch; lấy mẫu và bảo quản bệnh phẩm; triệu chứng bệnh dại trên động vật, cách sàng lọc; hướng dẫn phòng, điều trị dự phòng bệnh dại ở người; truyền thông nguy cơ; cơ chế phối hợp liên ngành Y tế - Thú y trong lấy mẫu, giám sát, cơ chế vận chuyển mẫu bệnh phẩm nghi dại ở người và động vật; hướng dẫn giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch./.
Tin, ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin