Theo thống kê của Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng, nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 11%), trong đó xuất khẩu tăng 15,4% (cùng kỳ giảm 8,2%); nhập khẩu tăng 17,3% (cùng kỳ giảm 13,9%).
Cán cân thương mại tháng 9/2024 tiếp tục thặng dư khoảng 2,29 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu của nước ta trong 9 tháng năm 2024 khoảng 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỷ USD). Tính theo khu vực thị trường, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 78,5 tỷ USD tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 28,8%.
Trong 9 tháng năm 2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục xác lập con số kỷ lục trong 9 tháng qua khi đã vượt mốc 5,6 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu rau quả 9 tháng năm 2024 đã bằng kim ngạch của cả năm 2023 và sẽ tăng mạnh trong quý cuối của năm nay. Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu rau quả nhiều khả năng vượt mốc 6 tỷ USD.
Trong 9 tháng qua, xuất khẩu hồ tiêu cũng có nhiều điểm sáng, đạt trên 200 nghìn tấn, giá trị hơn 1 tỷ USD (trong khi đó cả năm 2023 chỉ đạt 912 triệu USD). Giá trị xuất khẩu hồ tiêu đã tăng gần 47% so với cùng kỳ năm trước.
Là nhóm hàng “tỷ đô”, dệt may vẫn duy trì phong độ khi mang về hơn 27 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của dệt may Việt Nam năm 2024 là khả thi.
Trong lĩnh vực da giày, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 dự báo sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD.
Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, thì trong cả năm 2024 khả năng Việt Nam sẽ chạm mốc 800 tỷ USD xuất nhập khẩu, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỷ USD vào năm 2022.
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTAs như: CPTPP, EVFTA, RCEP… Đồng thời, đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập. Đặc biệt, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài đã và đang điều tra.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin