Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo luật, hướng đến xây dựng tổ chức công đoàn đủ mạnh, xứng tầm với yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). |
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) là cần thiết nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Công đoàn; tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh mà luật chưa điều chỉnh; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tham gia góp ý về giám sát của Công đoàn Việt Nam (tại Điều 16 dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, dự thảo Luật có 3 quy định cao hơn quy định tại Điều 10 Hiến pháp, gồm: hoạt động phối hợp giám sát; hoạt động chủ trì giám sát và hoạt động chủ trì giám sát đối với các quyền và lợi ích của chính tổ chức công đoàn.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng phân tích về tính hợp hiến của quy định tại Điều 16 so với Hiến pháp, cụ thể: Điều 10 của Hiến pháp quy định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Phân tích Điều 10 của Hiến pháp về thẩm quyền thì Công đoàn Việt Nam được quyền tham gia, không có quyền giám sát.
Về thẩm quyền và phạm vi của công đoàn trong hoạt động giám sát đại biểu Nguyễn Hải Dũng phân tích: Phạm vi tham gia nội dung về những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động; phạm vi tham gia về đối tượng là những cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp. Thứ nhất, tại khoản 1 của Điều 16 quy định giám sát của công đoàn bao gồm hoạt động tham gia phối hợp giám sát với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giám sát và hoạt động chủ trì giám sát. Quy định ở khoản 1 đối chiếu với Điều 10 của Hiến pháp thì quy định giám sát của công đoàn tại dự thảo luật là vượt quá quy định về quyền của công đoàn được ghi nhận tại Điều 10 của Hiến pháp. Trong khi Điều 10 của Hiến pháp thì công đoàn chỉ được tham gia giám sát, còn dự thảo luật quy định công đoàn không những tham gia mà còn phối hợp và chủ trì giám sát. Có 2 hoạt động của công đoàn ở đây cao hơn quy định của Hiến pháp, đó là phối hợp và chủ trì giám sát. Bởi trong hoạt động phối hợp thì đương nhiên cơ quan công đoàn cũng đồng thời đồng chủ trì, là cùng được chủ trì, do đó việc phối hợp ở đây cũng là đồng chủ trì. Cho nên những quy định phối hợp và hoạt động chủ trì giám sát ở đây là quy định cao hơn trong Điều 10 của Hiến pháp.
Thứ hai, tại khoản 3 Điều 16 quy định "hoạt động chủ trì giám sát của công đoàn mang tính xã hội, bao gồm chế độ, chính sách khác có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức công đoàn". Quy định ở khoản 3 không phù hợp với Điều 10 của Hiến pháp ở những điểm sau:
Thứ nhất, Điều 10 Hiến pháp quy định công đoàn tham gia giám sát về những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, tức là kể cả nghĩa vụ cũng phải giám sát chứ không chỉ có quyền và lợi ích nhưng dự thảo luật mới chỉ đề cập và chú ý đến việc giám sát quyền mà không chú ý đến giám sát nghĩa vụ của người lao động, như vậy là không đúng với tinh thần của Điều 10 Hiến pháp.
Thứ hai, Điều 10 Hiến pháp không quy định cho Công đoàn Việt Nam tham gia chế độ, chính sách đối với tổ chức công đoàn nhưng dự thảo luật lại cho công đoàn quyền giám sát về chế độ, chính sách của chính tổ chức của mình, như vậy là quy định cao hơn Hiến pháp.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) không quy định 3 nội dung cao hơn Điều 10 Hiến pháp và khi tham gia giám sát thì phải tham gia giám sát cả quyền và nghĩa vụ của người lao động cho phù hợp với Điều 10 của Hiến pháp, nhằm bảo đảm tính hợp hiến của Luật Công đoàn (sửa đổi) là một trong những nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tin: Văn Trọng
Ảnh PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin