Sáng 10/9, UBND tỉnh đã tổ chức họp triển khai giải pháp ứng phó với tình trạng ngập, úng do mưa lớn kéo dài vì ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3. Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành thành viên UBND tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố Nam Định…
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp. |
Theo báo cáo nhanh tại cuộc họp, trong đêm ngày 9 và rạng sáng ngày 10/9 do ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra mưa lớn kéo dài với lượng mưa đo được (từ 22 giờ ngày 9/9 đến 7 giờ ngày 10/9) là khoảng 270mm; dự báo trong một vài ngày tới, trên địa bàn tỉnh còn có mưa lớn với lượng mưa khoảng 200-270mm. Mưa lớn kéo dài cùng với các hồ thủy điện xả lũ đã làm mực nước trên các sông dâng cao… Tại huyện Ý Yên, do nước lũ trên sông Đáy dâng cao đã có hiện tượng thẩm lậu đê tại xã Yên Bằng; địa phương đã huy động lực lượng, vật tư tại chỗ xử lý xong; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương theo dõi, phát hiện hiện tượng rò, rỉ thân đê để xử lý kịp thời, chống tràn; huyện đã phát thông báo phương án di dân các vùng bối khi có lệnh của cấp có thẩm quyền… Tại huyện Nam Trực, do lũ trên các sông Hồng, sông Đào dâng cao, huyện đã thực hiện di dời 100 người dân đang sinh sống tại các bối vào điểm trú ẩn an toàn; sẵn sàng phương án di dời khoảng 600 người dân tại các vùng bối… Tại thành phố Nam Định, ngay trong đêm ngày 9/9 đã thực hiện di dời các hộ dân sinh sống trên các tầng 2, 3 khu nhà ở nguy hiểm trên đường Hoàng Văn Thụ về nơi an toàn; đã di dời 600 khẩu tại các bối của xã Mỹ Tân về nơi tránh, trú an toàn; yêu cầu 2 trạm bơm Kênh Gia, Quán Chuột vận hành tối đa công suất để bơm nước chống úng, ngập…
Sau khi nghe các sở, ngành báo cáo, phát biểu kết luận cuộc họp đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Mặc dù bão số 3 đã đi qua nhưng tình hình diễn biến thời tiết vẫn còn rất bất thường, mưa lớn kéo dài và lũ trên các sông dâng cao… Do đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập, úng…; vận hành tốt phương án phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ với mục tiêu cao nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của nhân dân. Yêu cầu các huyện Nam Trực, Ý Yên và thành phố Nam Định đặc biệt chú ý vận hành phương án di dân tại các khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn; đảm bảo cung cấp đầy đủ thực phẩm, nước uống và các điều kiện sinh hoạt cần thiết của nhân dân trong thời gian phải sơ tán… Yêu cầu các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực phối hợp, làm tốt công tác phòng, chống thiên tai ngay từ giờ đầu để kịp thời xử lý, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng khảo sát thực tế việc khắc phục tình trạng ngập, úng tại xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) |
Tình trạng ngập úng tại xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) |
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác tiêu thoát nước tại Trạm bơm Quán Chuột. |
Sáng cùng ngày, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng đã đi khảo sát thực tế việc khắc phục tình trạng ngập, úng tại xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định); kiểm tra các điểm dự kiến di dời 6.000 dân đang sinh sống tại vùng bối xã Mỹ Tân khi có tình huống khẩn cấp; kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại Trạm bơm Quán Chuột; chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, lực lượng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tổ chức thông tuyến nút giao hầm chui Quốc lộ 10 để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai./.
Tin, ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin