Triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó bão số 3

17:47, 05/09/2024

Trước dự báo về mức độ nguy hiểm của bão số 3 (tên quốc tế là bão YAGI), chiều 5/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) với các bộ, ngành, địa phương để triển khai công tác ứng phó. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Nam Định có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Mai Văn Quyết, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

Các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. DT
Các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 3 là cơn bão mạnh, đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ nhanh. Vào hồi 14 giờ ngày 5/9, vị trí bão số 3 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 420km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, cấp 17, giật trên cấp 17 và tiếp tục duy trì cường độ gió mạnh khi đi vào Vịnh Bắc Bộ. Tốc độ di chuyển của bão khoảng 15 km/giờ. Khi vào Vịnh Bắc Bộ bão số 3 tiếp tục duy trì sức gió mạnh cấp 13-16, khi vào đất liền có thể duy trì gió cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 13. Do ảnh hưởng của bão, ở Bắc Bộ sẽ xuất hiện mưa to đến rất to, diện rộng gây ngập, úng lụt, lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương, nhất là các tỉnh từ tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định... 

Dự báo từ đêm 6/9, vùng biển tỉnh Nam Định sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, giật cấp 13, biển động dữ dội. Từ sáng 7/9, các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, thành phố Nam Định có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6; từ trưa và chiều 7/9 gió mạnh dần lên cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Tại vùng ven biển, từ sáng sớm 7/9 có gió mạnh cấp 5, cấp 6; từ trưa và chiều 7/9 gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Vùng biển của tỉnh độ cao sóng từ 2-4m, sau tăng lên 4-6m, vùng gần tâm bão đi qua có thể đạt 5-7m, biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Từ 7 giờ ngày 6/9, tỉnh Nam Định sẽ tổ chức cấm biển theo quy định. Dự kiến, các địa phương sẽ sơ tán toàn bộ 734 lao động tại các lều, chòi trông coi thủy sản, các lao động trên các lồng bè nuôi thủy sản vào trong đê, quyết tâm hoàn thành việc sơ tán trước khi bão đổ bộ. Với tinh thần chủ động phòng, chống bão số 3, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tập kết trên các tuyến đê biển 12.488m3 đá hộc, 727m3 đá thu gom, 216m3 cấu kiện thu gom, 1.201 rọ thép, 483.800 bao nilon, 22.216m2 vải lọc, 67.967m2 vải bạt chống sóng và 9.742 cấu kiện bê tông.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, các tỉnh, thành phố tập trung hướng dẫn nhân dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão. Chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định vị trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng. Dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng khi bão đổ bộ. Chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bão về như: Chèn chống các cửa của nhà; loại bỏ những cây, cành bị chết, bị bệnh; xác định các vật dụng trong sân nên mang vào trong nhà. Khi xảy ra bão nên ở trong nhà, nơi trú ẩn không đi ra ngoài, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào. Khi được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình và di chuyển ngay đến nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp... Hướng dẫn nông dân thu hoạch rau, màu, thủy sản đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực cửa sông, ven biển, khu vực trũng, thấp. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản, nhà xưởng trong các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Triệt để tiêu thoát nước, chủ động sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu nước khi có yêu cầu để bảo vệ sản xuất nông nghiệp...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao việc cung cấp thông tin liên quan và triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó bão số 3 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố. Đồng thời yêu cầu các ban, bộ, ngành, các địa phương đề cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả để ứng phó hiệu quả với bão số 3. Duy trì công tác dự báo, thông tin thường xuyên về bão số 3 để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cung cấp cho người dân vùng bị ảnh hưởng để nhân dân có thể áp dụng các biện pháp ứng phó sát hợp, hiệu quả. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống thiên tai có thể xảy ra do bão số 3 gây ra. Huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương gặp khó trong xử lý các sự cố thiên tai. Hạn chế các sự kiện đông người, các cuộc họp, hội nghị chưa cần thiết để tập trung cao nhất các nguồn lực phòng, chống bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, nỗ lực hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ và thường xuyên giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt.

Vùng hoàn lưu bão số 3 rất lớn nên việc phòng, chống úng lụt, sạt lở đất sẽ có thể xảy ra, vì vậy các bộ, ban, ngành, địa phương cần có phương án, kịch bản cụ thể, có biện pháp dự báo, di dời người dân tại những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, khu vực nguy hiểm do úng, ngập. Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, TKCN tập trung phân công lực lượng về các địa phương đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở, nắm chắc tình hình để phối hợp chỉ đạo thực các biện pháp ứng phó, phòng ngừa, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Tin, ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com