Triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3, tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất 

13:32, 28/09/2024

Sáng 28/9, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Tham gia hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3. 

đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố của tỉnh.

Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Bão số 3 (tên quốc tế YAGI) là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn. Hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ với 26 tỉnh, thành phố, trong đó 83/84 trạm đo được lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm, có nơi mưa trên 700mm. Do mưa lớn, khu vực Bắc Bộ xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn, diện rộng, trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến sông: Thao, Đáy, Cầu, Ninh Cơ, Kinh Môn, Gùa, Trà Lý. Mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… 

Xác định đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở đã tích cực, chủ động vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, lũ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân công; người dân cũng đã chủ động, tự giác phòng, chống, ứng phó nên đã góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ. Tuy nhiên, do bị tác động dồn dập trong thời gian rất ngắn của các loại hình thiên tai cực đoan đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều địa phương, đặc biệt là thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét. Bão, lũ, sạt lở đất đã làm 344 người chết, mất tích, 1.976 người bị thương; 281.966 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập; 284.472ha lúa và 61.114ha hoa màu, 39.188ha cây ăn quả bị bị ngập úng, hư hại; 189.982ha rừng bị thiệt hại; 35.029ha và 11.832 lồng bè nuôi thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết... Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là Quảng Ninh 24.876 tỷ đồng; Hải Phòng 12.249 tỷ đồng; Lào Cai 6.687 tỷ đồng; Yên Bái 5.738 tỷ đồng... 

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Nam Định.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Tại tỉnh Nam Định, bão số 3, mưa lũ đã làm thiệt hại hơn 1.142 tỷ đồng; 11.287 hộ dân bị ảnh hưởng. Về nhà ở, ước giá trị thiệt hại trên 11,8 tỷ đồng, gồm 6.705 ngôi nhà bị ngập nước và 2.148 nhà phải di dời khẩn cấp. Một số điểm trường bị ngập lụt, ước tính giá trị thiệt hại 1.016 tỷ đồng. Diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng là 27.085ha, ước giá trị thiệt hại hơn 435 tỷ đồng... Cầu phao Ninh Cường trên Quốc lộ 37B bị ảnh hưởng nước lũ chảy xiết và vật cản trôi dạt làm ảnh hưởng đến kết cấu cầu phao, hiện đang được xử lý sửa chữa, khắc phục; ước thiệt hại về giao thông khoảng 9,321 tỷ đồng...

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích dự phòng ngân sách Trung ương, xuất cấp 350 tỷ đồng và 432,585 tấn gạo để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói. Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị nạn theo chế độ, chính sách hiện hành; tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; bố trí chỗ ở tạm cho hộ bị mất nhà ở. Nhiều đoàn công tác của Trung ương, các địa phương, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 432,980 tỷ đồng. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khôi phục nhà ở; khẩn trương khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, duy trì tăng trưởng ngành Nông nghiệp; hỗ trợ các địa phương giống cây trồng, hoá chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh trong nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực, nỗ lực, cố gắng của các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố, nhất là sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong ứng phó với bão số 3, hoàn lưu sau bão và công tác cứu hộ, khắc phục thiệt hại ban đầu. Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm, đồng thời yêu cầu: Với mục tiêu, nhiệm vụ không để bất kỳ người dân nào bị thiếu ăn, đói rét, đảm bảo học sinh được đến trường, đồng thời nhanh chóng ổn định đời sống người dân và khôi phục sản xuất, kinh doanh, các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố phải thực hiện nghiêm túc các nội dung nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024. Tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các nghị định, thông tư quy định về cơ chế hỗ trợ sản xuất vùng bị thiên tai ngay trong tháng 10/2024 để bảo đảm thống nhất về cơ chế phù hợp với tình hình này, tạo cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, duy trì sự phát triển nền kinh tế, chống lạm phát. Nhanh chóng hoàn thiện bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, ứng phó các sự cố thiên tai trong thời gian tới. Các địa phương, các bộ, ngành tập trung hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về nhà ở xong trước ngày 31/12/2024; khắc phục ngay các sự cố trường học, trạm y tế, trạm thu phát sóng trong tháng 10/2024; tổ chức tổng kết, đánh giá, đề xuất khen thưởng những người có thành tích trong phòng, chống khắc phục hậu quả bão số 3, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân làm không tốt, nhất là tình trạng thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Rà soát đánh giá, xây dựng kế hoạch, chương trình về chống sạt lở và thảm họa thiên tai. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thu dọn vệ sinh môi trường. Tăng cường kiểm soát tốt các loại dịch bệnh không để phát sinh, lây lan, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh ở vùng bị ảnh hưởng bởi lũ, bão.

Tin, ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com