Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tới nay, chưa xảy ra sự cố mất an toàn đê điều do bão số 3 (tên quốc tế là Yagi).
Cụ thể, theo báo cáo nhanh về công tác trực ban phòng, chống thiên tai của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, hiện các tuyến đê biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình không xảy ra sự cố mất an toàn đê điều do bão số 3. Đê sông các tỉnh, thành phố đang có lũ (Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa) chưa xảy ra sự cố đê điều.
Về nông nghiệp, diện tích lúa và hoa màu hiện bị thiệt hại rất lớn. Cụ thể, có 113.593ha lúa bị ngập úng, thiệt hại. Diện tích hoa màu bị ngập úng, thiệt hại lên tới 22.047ha. Diện tích cây ăn quả bị hư hại lên tới 6.887ha (tăng 1.860ha so với báo cáo ngày 7/9). Thống kê đến ngày 9/9, có 121.668 cây xanh bị gãy đổ. Trong đó, tại Hà Nội có 24.807 cây xanh bị gãy đổ. Số lượng lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên biển bị hư hỏng, cuốn trôi là trên 1.500 lồng bè (tăng 384 lồng bè so với báo cáo ngày 7/9). Trong đó, Quảng Ninh có thiệt hại lớn nhất là 1.000 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi. Có 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Bên cạnh đó, có 79 con gia súc, 190.131 con gia cầm bị thiệt hại; trong đó số lượng gia cầm bị thiệt hại tập trung ở Hải Dương với trên 186 nghìn con gia cầm.
Cảnh báo từ ngày 9 đến 11/9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3. Để đảm bảo an toàn đê điều, ngày 8/9, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Văn bản số 890/ĐĐ-QLĐĐ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố về việc ứng phó với mưa lũ do bão số 3 để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều. Trong đó, lưu ý một số nội dung như: Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, mực nước lũ trên các triền sông và tình hình đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo thực hiện .
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin