Tập trung chống úng ngập bảo vệ lúa mùa mới cấy

14:21, 17/07/2024

Theo báo cáo của các huyện, thành phố và qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), đến ngày 15/7/2024 toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo, cấy lúa mùa. Diện tích gieo sạ khoảng 40%; trong đó một số huyện như: Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Mỹ Lộc… diện tích gieo sạ đạt 50-60%. Trong những ngày qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, nơi cao hơn 200mm; có thể gây ngập úng trên diện rộng, nhất là vùng thấp ruộng trũng, ảnh hưởng sự sinh trưởng của lúa mới gieo, cấy.

Để đảm bảo phòng, chống ngập úng, đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông trên địa bàn tỉnh, ngày 17/7/2024 UBND tỉnh có Công văn số 714/UBND-VP3 chỉ đạo phòng, chống ngập úng do mưa lớn và đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ các hồ thủy điện. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác cát biết thông tin xả lũ hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người, tài sản. Chỉ đạo các xã, HTX khẩn trương khơi thông dòng chảy, vận hành các công trình được giao quản lý theo phân cấp; phối hợp với các Công ty khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) tổ chức tiêu thoát nước chống ngập, úng. 

Yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Rà soát các phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, địa phương tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố đê điều, triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu. Sở NN và PTNT tăng cường công tác trực ban, tuần tra, canh gác đê điều theo quy định; phát hiện, báo cáo và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống; chỉ đạo vận hành linh hoạt điều tiết nước khi mưa lũ kéo dài, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi và sản xuất. 

Các Công ty KTCTTL trên địa bàn tỉnh tổ chức tiêu thoát nước để chủ động phòng, chống ngập úng cho diện tích lúa mới sạ, mới cấy. Đối với diện tích sản xuất nông nghiệp đã xảy ra ngập, hoặc có nguy cơ xảy ra ngập phải khẩn trương vận hành tối đa năng lực của công trình được giao quản lý khai thác, nhất là các trạm bơm để tiêu thoát nước nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL: Bắc Nam Hà, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Thành đảm bảo duy trì mực nước tại các điểm khống chế theo đúng quy trình vận hành hệ thống đã được phê duyệt.

Trước đó, Sở NN và PTNT có công văn gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương và đề nghị các Công ty KTCTTL trên địa bàn quan tâm chỉ đạo, phối hợp với các xã, thị trấn khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý cho từng diện tích lúa mới gieo cấy. Chủ động tiêu rút nước đệm trên các tuyến kênh mương, nhất là ở những vùng trũng, thấp khi có mưa lớn. Đồng thời có phương án huy động lực lượng, các loại máy bơm di động... để chống úng cho lúa, cây màu; đặc biệt quan tâm phòng, chống úng cho các vùng lúa gieo sạ nhiều. Chú trọng chăm sóc, bảo vệ tốt lượng mạ còn dư, mạ dự phòng đến hết ngày 27/7/2024 để cấy dặm khi cần thiết. Tổ chức chăm bón kịp thời cho lúa, màu sau gieo cấy, đảm bảo nguyên tắc bón phân sớm, tập trung “nặng đầu, nhẹ cuối”, bón phân cân đối; tuyệt đối không bón đạm lai rai. Tổ chức thực hiện tốt các nội dung phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn chuyên ngành bảo vệ thực, trước mắt cần làm tốt công tác giám sát mật độ rầy, thu thập, giám định vi-rút bệnh lùn sọc đen để phun trừ rầy lứa 4 (cuối tháng 7, đầu tháng 8); tập trung diệt chuột, cỏ dại, lúa cỏ và ốc bươu vàng.

Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com