Quyết tâm giữ đà tăng trưởng, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mọi kế hoạch, nhiệm vụ năm 2025

11:50, 06/07/2024

Sáng 6/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khoẻ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các đại biểu tham dự; đồng thời nêu rõ, sau phiên họp này, Chính phủ sẽ báo cáo lại đồng chí Tổng Bí thư để xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là phiên họp rất quan trọng, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của 6 tháng cuối năm để thực hiện thắng lợi, toàn diện kế hoạch năm 2024, tạo tiền đề, khí thế cho những năm tiếp theo, nhất là năm 2025 - năm kết thúc của nhiệm kỳ 2021-2026 để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã qua nửa đầu năm 2024, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường dù kinh tế toàn cầu có tín hiệu khả quan hơn, lạm phát có xu hướng đi ngang và giảm; triển vọng tăng trưởng có tín hiệu bước đầu, nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, rủi ro. Trong đó, có các điểm đáng lưu ý: cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt hơn; xung đột tiếp tục diễn ra, chưa biết khi nào kết thúc; tỷ giá USD, giá vàng tăng cao, giá dầu thô, hàng hoá cơ bản biến động mạnh; biến đổi khí hậu, già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên ngày càng tác động nặng nề đến các nước, các nền kinh tế; đặc biệt hiện tượng nắng nóng, hạn hán, El Nino xảy ra khắp thế giới.

Tình hình kinh tế trong nước chịu tác động kép từ yếu tố bên ngoài bất lợi cũng như bên trong vì chúng ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi, nước ta vẫn là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế có hạn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế… gây ra cho chúng ta những khó khăn, thách thức nhất định.

Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sắc của Trung ương, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự tham gia tích cực, nỗ lực vươn lên của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội thể hiện rõ sự phục hồi tích cực: tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn so cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, theo đó: tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93%, 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao ở khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm tốt; đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín ,vị thế đất nước ta tiếp tục được nâng lên.

Thủ tướng nêu rõ, những năm vừa qua, tình hình vẫn có khó khăn, phức tạp, nhưng chúng ta vẫn thực hiện tăng thu tiết kiệm chi, cơ cấu lại đầu tư công hợp lý có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhờ đó dành nguồn lực khoảng 700 nghìn tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ 1/7/2024, thực hiện lộ trình theo Nghị quyết 27-NQ/TW với bước đi phù hợp tình hình, khả năng chi trả, đặc biệt là nỗ lực tạo bình đẳng, công bằng giữa các đối tượng được hưởng thụ. Đó là những điểm tích cực mà chúng ta cần đánh giá, phân tích, từ đó tạo khí thế, niềm tin cho nhân dân, xã hội.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về kinh tế - xã hội
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh những thành tích đạt được là rất cơ bản, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như sức ép lạm phát còn cao, tình hình sản xuất, kinh doanh còn khó khăn; tình hình trật tự an toàn xã hội, cháy, nổ, tai nạn giao thông ở một số địa bàn còn phức tạp; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích sâu thêm những mặt được, chưa được, nhất là rút ra bài học kinh nghiệm công tác điều hành, quản lý thời gian qua, làm nền tảng cho thời gian tới để giữ đà tăng trưởng, khí thế để tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập, thu được kết quả tốt hơn trong thời gian tới. Trong đó, đưa ra những giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để chỉ đạo, điều hành trong tháng 7 và những tháng còn lại của năm 2024 bảo đảm hiệu quả, tạo tiền đề thắng lợi quan trọng cho năm 2025, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng đề nghị nêu những vướng mắc, điểm nghẽn về pháp lý, quản lý điều hành, trên cơ sở đó, các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động thực hiện hiệu quả, phù hợp tình hình. Các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao với tinh thần xác định “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, từ đó có cơ sở đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, phê bình phù hợp.

* Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với chỉ số sản xuất tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 8,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13%, nhờ đó đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa sáu tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD), góp phần tạo động lực sản xuất và kích thích xuất khẩu.

Phiên họp và Hội nghị được truyền trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiên họp và Hội nghị được truyền trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thu hút vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao, phản ánh sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn FDI đăng ký mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội sáu tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó quý I đạt 617,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8%; quý II đạt 834,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%.

Tính đến ngày 20/6/2024, cả nước có 1.538 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 9.536,8 triệu USD, tăng 18,9% về số dự án và tăng 46,9% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước có 1.293 dự án và vốn đăng ký đạt 6.492,1 triệu USD). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 10,8 tỷ USD, tăng 8,2 so cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2020-2024.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong sáu tháng đầu năm 2024 đạt 119,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp.

Kinh tế tăng trưởng khởi sắc đã tác động tích cực đến thu ngân sách nhà nước. Thu ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa đạt gần 857 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% và tăng 18,1%...

Theo nhandan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com