Theo kế hoạch, vụ mùa năm 2024 toàn tỉnh gieo cấy 71,2 nghìn ha lúa mùa. Cụ thể, huyện Ý Yên hơn 13,1 nghìn ha, huyện Nghĩa Hưng 10 nghìn ha, huyện Hải Hậu 9,9 nghìn ha, huyện Vụ Bản 8,16 nghìn ha…
Để hoàn thành kế hoạch gieo cấy toàn bộ diện tích lúa mùa, các địa phương phải gieo 4.120ha mạ; trong đó, các huyện phía Nam tỉnh 3.140ha, các huyện phía Bắc tỉnh 1.560ha. Cơ cấu giống chủ yếu gồm các giống lúa thuần ngắn ngày, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định như: LT2 kháng bạc lá, Lộc Trời 183, Đài thơm 8, TBR97, DQ11… và các giống lúa lai: Lai thơm 6, CT16, TX111, Phúc thái 168, Bắc ưu 903 kháng bạc lá. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) lưu ý, các địa phương có thể sử dụng giống lúa ST24, ST25 để gieo cấy vì giống lúa này đã được Bộ NN và PTNT cho phép công nhận lưu hành gieo cấy tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, mỗi huyện lựa chọn sử dụng 3-4 giống chủ lực, mỗi hộ nông dân chỉ sử dụng 1-2 giống lúa; hạn chế tối đa sử dụng giống lúa Bắc thơm số 7 vì là giống lúa nhiễm nặng bệnh bạc lá, rầy và khả năng chịu úng, chống đổ kém.
Đến thời điểm này, các địa phương đã gieo được trên 1.608ha mạ, tập trung ở các xã: Yên Trung, Yên Quang, Yên Thọ (Ý Yên); Minh Thuận, Hiển Khánh, Vĩnh Hào (Vụ Bản); Trực Nội, Trực Hưng, Trực Mỹ (Trực Ninh); Xuân Đài, Xuân Thượng, Xuân Ngọc (Xuân Trường)… Trong đó, huyện Ý Yên gieo được 498ha, đạt 100% diện tích kế hoạch; huyện Mỹ Lộc gieo được 93ha, đạt 89% diện tích kế hoạch; thành phố Nam Định gieo được 17ha, đạt 81% diện tích kế hoạch... Sở NN và PTNT khuyến cáo, việc gieo mạ theo phương thức mạ dược cho những chân ruộng vàn thấp, ruộng trũng và những diện tích có nguy cơ ngập úng sau cấy, nhất là những vùng thường xuyên bị úng trũng như các địa bàn cụm số 3 của huyện Trực Ninh, cụm số 4 huyện Nam Trực và một số xã của các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng. Các địa phương khuyến cáo người dân gieo mạ dược, mạ dày xúc để hạn chế tối đa thiệt hại khi mưa lớn trùng với cao điểm gieo cấy; gieo mạ nền cho những diện tích ruộng chân vàn, vàn cao.
Để mạ cứng cây, khỏe, tỷ lệ bẹ/lá cao, đanh dảnh, màu sắc lá xanh vàng, mạ không bị ống, có sức ra rễ mạnh và không có sâu bệnh, các xã, thị trấn, HTX dịch vụ nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật cần hướng dẫn nông dân chăm sóc mạ cẩn thận, đúng kỹ thuật. Ở thời kỳ mạ non (từ gieo đến 3 lá), cần giữ ẩm mặt luống để rễ phát triển thuận lợi. Khi mạ có 4 lá đến nhổ cấy tùy theo thời tiết và sinh trưởng của mạ để quyết định chế độ tưới nước. Trước khi nhổ có thể tưới trước 5-7 ngày cho đất mềm, dễ nhổ, tránh làm đứt rễ mạ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của lúa sau này.
Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin