Ngày 25/6, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 150-KH/TU triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong tình hình mới.
Ban TVTU yêu cầu các Ban cán sự đảng, đảng đoàn, huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 31-CT/TW, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động về vai trò, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh con người, phát triển bền vững doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác ATVSLĐ. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban TVTU về thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW.
Việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW phải đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác ATVSLĐ. Lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về ATVSLĐ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, đơn vị, bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp. Tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động, quan tâm ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao. Đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tăng cường đối thoại, thương lượng về bảo đảm ATVSLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách pháp luật về ATVSLĐ, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong thực tiễn. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATVSLĐ. Tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về ATVSLĐ. Tăng cường nguồn lực Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác ATVSLĐ. Tăng cường công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả công tác ATVSLĐ. Tăng cường sự chủ động trong việc phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động, đặc biệt là khu vực không có quan hệ lao động.
Kế hoạch đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu giảm tỷ lệ tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm./.
Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin