Ngành chăn nuôi phấn đấu đạt sản lượng khoảng 93,5 nghìn tấn thịt các loại

09:49, 19/06/2024

Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ; hình thức chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp đang từng bước được mở rộng. Quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học được người dân, doanh nghiệp tích cực áp dụng; chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp - người nuôi được tăng cường đã góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Ước 6 tháng đầu năm 2024: Toàn tỉnh có 7.400 con trâu, sản lượng thịt trâu đạt 571 tấn; đàn bò 28 nghìn 750 con, tương đương cùng kỳ năm 2023; sản lượng thịt bò đạt 1.746 tấn, tăng 0,6% so với 6 tháng đầu năm 2023; đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) là 625 nghìn con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 82.740 tấn, tăng 1,1% (912 tấn) so với 6 tháng đầu năm 2023; đàn gia cầm đạt trên 9,3 triệu con, tăng 1,35% (124 nghìn con), sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng ước đạt 19.459 tấn, tăng 4,61% (857 tấn); sản lượng trứng gia cầm ước đạt 270 triệu quả, tăng 5,25% (13 triệu 464 nghìn quả) so với 6 tháng đầu năm 2023.

Từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh phấn đấu đạt sản lượng khoảng 93,5 nghìn tấn các loại thịt gia súc, gia cầm; trong đó sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 71.500 tấn; nhiều nhất là huyện Ý Yên 16.315 tấn, tiếp đó là huyện Hải Hậu 14.820 tấn, Nghĩa Hưng 12.008 tấn, Trực Ninh 11.015 tấn, Giao Thủy 9.292 tấn, Xuân Trường 9.022 tấn; sản lượng thịt trâu bò 1.860 tấn; thịt gia cầm 15.580 tấn và 4.500 tấn các loại thịt khác.

Để hoàn thành mục tiêu trên, các huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt công tác quản lý đàn vật nuôi trên địa bàn, nhất là đàn giống; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi đảm bảo khi phát hiện dịch bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời; chủ động lấy mẫu cảnh báo sớm các loại dịch bệnh. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin vụ thu năm 2024 cho đàn gia súc, gia cầm; vận động các hộ chăn nuôi, nhất là các chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chủ động mua các loại vắc-xin tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi theo quy trình, đồng thời thực hiện quản lý việc tiêm phòng bổ sung của người chăn nuôi. Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi, chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP, chăn nuôi hữu cơ. Các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, sơ chế, giết mổ động vật, sản phẩm động vật thực hiện đúng quy trình vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm trong chăn nuôi lợn, gia cầm./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com