Làm rõ một số nội dung trong Đề án thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ tỉnh Nam Định

13:11, 07/06/2024

Ngày 7/6, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT), các đồng chí Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (KKT), Bộ KH và ĐT; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp làm rõ một số nội dung trong thẩm định Đề án thành lập KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định. 

Các đồng chí Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế (Bộ KH và ĐT); Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Các đồng chí: Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế (Bộ KH và ĐT); Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng đã báo cáo tóm tắt Đề án thành lập KKT Ninh Cơ. Theo đó, KKT Ninh Cơ đã được Chính phủ bổ sung vào danh mục KKT biển của cả nước tại các Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 và Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, với chỉ tiêu đất dành cho KKT Ninh Cơ là 13.950ha nằm trên địa bàn 2 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. KKT Ninh Cơ được đánh giá là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi của tỉnh Nam Định, có khả năng phát triển các ngành kinh tế gắn với các lợi thế, tiềm năng từ biển như: Cảng biển, sản xuất thép xanh, vật liệu xây dựng, chế tạo cơ khí; phát triển các ngành công nghiệp năng lượng sạch (điện khí, điện gió); tổng kho LNG, tổng kho xăng dầu, logistics, cảng cạn, dệt may; nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch sinh thái biển, du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Nam Định xác định xây dựng, phát triển KKT Ninh Cơ trở thành KKT đa ngành, đa chức năng, là trọng điểm phát triển có tính đột phá, dẫn dắt cho kinh tế tỉnh Nam Định; một cực phát triển quan trọng của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng; trung tâm giao thương quốc tế gắn với các đô thị, khu công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển lớn của tỉnh và tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Các cơ chế, chính sách đối với KKT minh bạch, thông thoáng, thân thiện với doanh nghiệp, người dân; đồng thời, KKT là nơi nghiên cứu triển khai một số mô hình, dự án sản xuất mới trên địa bàn tỉnh Nam Định và cả nước. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước đã và đang tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất được đầu tư các dự án vào trong Khu Kinh tế Ninh Cơ. Song song với lập Đề án thành lập KKT Ninh Cơ, tỉnh cũng chú trọng hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào KKT.

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng nhấn mạnh: Đề án thành lập KKT Ninh Cơ do UBND tỉnh Nam Định chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn là Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH và ĐT) nghiên cứu. Đến nay, hồ sơ thành lập KKT Ninh Cơ đã được tỉnh 2 lần trình xin ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành; việc nghiên cứu Đề án được đặt trong mối liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc Bộ, tỉnh Nam Định và cả nước; đã nghiên cứu, đánh giá được hiện trạng phát triển của KKT Ninh Cơ, xác định các vấn đề cần giải quyết theo nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để hoàn thiện dự thảo Đề án thành lập KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các bộ, ngành, các đơn vị liên quan để chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung Đề án. 

Đồng chí Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ KH và ĐT phát biểu kết luận cuộc họp.
Đồng chí Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ KH và ĐT phát biểu kết luận cuộc họp.

Sau khi nghe tỉnh báo cáo về Đề án, đại diện các bộ, ngành, đơn vị chức năng đã tập trung thảo luận và cơ bản thống nhất đánh giá Đề án thành lập KKT Ninh Cơ đã đảm bảo đầy đủ các nội dung thẩm định theo quy định, bao gồm: Căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc thành lập KKT; đánh giá việc đáp ứng các điều kiện thành lập KKT quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022; đánh giá phương hướng phát triển của KKT; đánh giá các giải pháp và tổ chức thực hiện. Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến, đề nghị tỉnh làm rõ một số nội dung của Đề án. Cũng tại cuộc họp, tỉnh Nam Định đã tập trung giải trình, làm rõ một số nội dung gồm: Khả năng huy động vốn, đặc biệt là tính khả thi trong việc bố trí vốn ngân sách và đề xuất trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ KH và ĐT, UBND tỉnh Nam Định về bố trí vốn. Mục tiêu bảo vệ môi trường, giải pháp bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ khu dự trữ sinh quyển. Chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất. Xem xét, bổ sung một số chỉ tiêu định lượng làm cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, phương pháp và cơ sở tính toán. Cập nhật, bổ sung các căn cứ pháp lý xây dựng Đề án; bổ sung đánh giá hiện trạng đường thủy nội địa, cảng biển, các yếu tố và điều kiện vị trí địa lý, tự nhiên; cập nhật hiện trạng hệ thống đường bộ; khoảng vùng diện tích đất tại di tích đã xếp hạng cấp tỉnh; thống nhất nội dung "Không định hướng quy hoạch điện gió ngoài khơi trong thời kỳ đến năm 2030" giữa văn bản giải trình và Phụ lục 3; rà soát số lượng, diện tích các cụm công nghiệp trong KKT để đảm bảo thống nhất với phương án phát triển cụm công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh; phương hướng tổ chức lãnh thổ trong KKT: Không gian đô thị Rạng Đông - Thịnh Long (gồm khu đô thị công nghiệp dệt may, trung tâm là thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng; Khu đô thị dịch vụ tổng hợp, trung tâm là thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu); tổ chức không gian biển cần cập nhật, đồng bộ các nội dung có liên quan trong Quy hoạch hệ thống cảng cá, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng phát triển điện mái nhà, điện từ rác thải. Các đại biểu cũng đề xuất tỉnh cần bổ sung luận điểm, luận chứng, phân tích thêm nguồn lực của tỉnh trong thực hiện phương án, mục tiêu thành lập, phát triển KKT Ninh Cơ theo hướng sát với thực tế phát triển của Nam Định.

Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng nhấn mạnh: Trên cơ sở ý kiến nhận xét, góp ý của các chuyên gia, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và kết luận của đồng chí Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ KH và ĐT), tỉnh Nam Định sẽ tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Đề án thành lập KKT Ninh Cơ, trình cấp thẩm quyền cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Vụ trưởng Vụ quản lý các KKT Lê Thành Quân đánh giá cao tinh thần làm việc của cuộc họp; nhận định các nội dung Đề án thành lập KKT cơ bản đảm bảo chất lượng, tính khả thi, nhất là đã nhận được sự đồng thuận ủng hộ của người dân và chưa hình thành KKT nhưng đã có nhiều nhà đầu tư chiến lược; đáp ứng mọi quy định liên quan. Đề nghị tỉnh Nam Định tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Đề án theo ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành. Về phía Bộ KH và ĐT sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ Nam Định hoàn tất các nội dung, phần việc còn lại để tỉnh sớm hoàn thiện Đề án thành lập KKT Ninh Cơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./. 

Tin, ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com