Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất vụ xuân năm 2024: toàn tỉnh có 325 máy cấy lúa bằng mạ khay, đảm bảo cơ giới hoá khoảng 20% diện tích; khâu làm đất cơ giới hoá 100% và 96% khâu thu hoạch; khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 5% diện tích lúa, diện tích còn lại việc phun thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện bằng bình phun động cơ điện, giúp giảm đáng kể công lao động nặng nhọc, độc hại cho nông dân. Cùng với việc cơ giới hoá, các huyện, thành phố xây dựng được 238 cánh đồng lớn sản xuất lúa, màu (218 cánh đồng lúa và 20 cánh đồng rau màu) với tổng diện tích 11.025ha, trong đó có 1.940ha được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhận bao tiêu sản phẩm.
Phương thức máy cấy lúa bằng mạ khay ngày càng được mở rộng tại các địa phương trong tỉnh. |
Sản xuất giống lúa lai F1 tại các địa phương tiếp tục được mở rộng với diện tích là 594ha, gồm 187ha các tổ hợp lai Nhị ưu 838, giống CT16 là 200ha, giống HYT là 50ha, giống LY 2099 là 35ha và 57ha các tổ hợp giống LC25, MV2, dòng HYT, Thiên Trường 217…
Tại nhiều địa phương đã hình thành một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích khoảng 900ha. Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và rau màu của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên); mô hình sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm tại các huyện: Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường của Công ty TNHH Cường Tân, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh); mô hình sản xuất lúa chất lượng cao của các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); mô hình sản xuất các loại rau màu ở Yên Cường, Yên Dương; sản xuất ớt xuất khẩu ở Yên Nghĩa (Ý Yên); mô hình sản xuất lúa, rau màu của HTX Kinh tế tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tiến (Giao Thuỷ); mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR87, TBR88 ở xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) và xã Nam Cường (Nam Trực)…
Việc tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống lúa, rau màu, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất và các mô hình cơ cấu lại nông nghiệp có hiệu quả ở vụ xuân đã giúp nông dân, hợp tác xã có thêm sự lựa chọn để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hình thành các chuỗi liên kết giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, rau màu… tạo điều kiện cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên từng diện tích đất canh tác và của người nông dân, thúc đẩy sản xuất nông, thuỷ sản của tỉnh phát triển bền vững./.
Tin, ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin