Thanh tra đường bộ không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường

10:39, 21/05/2024

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông, dự thảo Luật Đường bộ quy định theo hướng Thanh tra đường bộ không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 21/5. (Ảnh: Thủy Nguyên)
Quang cảnh phiên làm việc sáng 21/5. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 21/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Đường bộ là dự án luật được Quốc hội, Chính phủ tích cực chuẩn bị công phu trong thời gian dài. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, báo cáo làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các cơ quan hữu quan theo quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp sáng 21/5.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp sáng 21/5.

Hồ sơ dự thảo luật đã chuẩn bị đầy đủ, thể hiện rõ quá trình nghiên cứu, tiếp thu một cách nghiêm túc. Trên cơ sở hồ sơ đã gửi, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các nội dung trọng tâm như: phạm vi điều chỉnh, kết cấu hạ tầng đường bộ, đường bộ cao tốc, hoạt động vận tải, quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 7 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 3 Điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về những quy định chung, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đa số đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh và các quy định tại Chương I của dự thảo Luật; một số đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để phân định rõ, tránh trùng dẫm với phạm vi điều chỉnh của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đề nghị sửa Điều 1 theo hướng ngắn gọn, khái quát.

Đề nghị rà soát quy định về giải thích từ ngữ, chuyển một số nội dung có tính chất giải thích từ ngữ tại các điều luật về Điều 2; rà soát quy định về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, hệ thống đường địa phương, đường đô thị; cơ sở dữ liệu đường bộ; hệ thống giao thông thông minh để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi và tiết kiệm, hiệu quả.

Căn cứ ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật. Về hệ thống giao thông thông minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đây là nội dung mới và có sự thay đổi, phát triển nhanh chóng, nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật sẽ không sát thực tiễn, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định những nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời đề nghị Quốc hội cho chuyển nội dung này sang Điều 40 của dự thảo Luật.

Về kết cấu hạ tầng đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý tối đa theo ý kiến đại biểu Quốc hội, tập trung vào các quy định tại Điều 8 (phân loại đường bộ theo cấp quản lý), Điều 12 (quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 15 (hành lang an toàn đường bộ), Điều 16 (sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ), Điều 28 (đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 31 (bàn giao, đưa công trình đường bộ vào khai thác)...

Quang cảnh phiên họp sáng 21/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Quang cảnh phiên họp sáng 21/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đối với các quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý Điều 8 để xác định trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý đường bộ, trên cơ sở đó chỉnh lý Điều 28, Điều 37 dự thảo Luật để xác định trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ theo hướng viện dẫn quy định tại Điều 8.

Về nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa khoản 2 Điều 42 để thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc

Về đường bộ cao tốc, tuy đường cao tốc là cấp kỹ thuật của đường bộ, nhưng có những yêu cầu riêng về đầu tư, xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì. Do đó, việc xây dựng một chương riêng nhằm cụ thể hóa những nội dung này để bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi cho hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường cao tốc.

Về ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Bộ trưởng Giao thông vận tải quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phù hợp thẩm quyền.

Quang cảnh phiên họp sáng 21/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Quang cảnh phiên họp sáng 21/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đối với quy định về mở rộng, nâng cấp đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý để thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư… và phù hợp với thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ hiện hành thành đường cao tốc hoặc các tuyến đường cao tốc được đầu tư theo quy mô phân kỳ.

Về hoạt động vận tải, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý các quy định tại Chương IV theo hướng rà soát, bảo đảm thống nhất với quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chỉ tập trung quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải đường bộ.

Về quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bổ sung tại khoản 2 Điều 83 của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vì việc thanh tra hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm định phương tiện trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện.

Thanh tra đường bộ chỉ xử lý trách nhiệm qua các điểm giao thông tĩnh?

Đối với ý kiến đề nghị quy định Thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ, dự thảo Luật quy định theo hướng Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông “tĩnh”, qua cơ sở dữ liệu; việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện.

Về hiệu lực thi hành, căn cứ đề nghị của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý và đề nghị Quốc hội cho bổ sung khoản 2 Điều 85 dự thảo Luật, theo đó các quy định liên quan đến việc thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2024 để kịp thời tổ chức triển khai hoạt động thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của Luật này.

* Tại phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã tham gia ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật. Theo đó, đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cơ bản nhất trí với Báo cáo 839 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật Đường bộ; đồng thời đóng góp một số ý kiến góp ý trực tiếp vào Điều 56 của dự thảo luật. Cụ thể, tại khoản 1, khoản 2 Điều 56 có nêu khái niệm về hoạt động vận tải đường bộ là "Việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ và xe cơ giới để vận tải người và hàng hóa trên đường bộ", tức là Luật Đường bộ chỉ điều chỉnh hoạt động vận tải bằng các loại xe thô sơ và xe cơ giới mà không điều chỉnh hoạt động vận tải được thực hiện trực tiếp bằng động vật. 

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận tại hội trường.
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận tại hội trường.

Trong Báo cáo 839 có giải thích ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Báo cáo dẫn chiếu tới Điều 35 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là: "Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm xe xúc vật kéo". Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu Quốc hội là đề nghị xem có điều chỉnh việc động vật trực tiếp vận tải trong luật này hay không mà không đề cập đến việc xe thô sơ. Ý kiến đại biểu Quốc hội muốn đề cập đến việc ngựa thồ tham gia vận tải chứ không phải xe thô sơ. Trên miền núi phía Bắc đồng bào vẫn dùng ngựa thồ để vận chuyển hàng hóa rất tiện lợi, giúp giải phóng được sức người. Đây chính là vận tải hàng hóa trên đường bộ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét đưa hoạt động vận tải bằng động vật trực tiếp vận tải vào điều chỉnh trong Lật Đường bộ.

Tại khoản 4 và khoản 13 Điều 56 chưa phù hợp với nhau. Khoản 4 quy định "Kinh doanh vận tải đường bộ là hoạt động do tổ chức, cá nhân, sau đây gọi là đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe để cung cấp dịch vụ vận tải nhằm mục đích sinh lợi". Như vậy, khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải có bao gồm cá nhân, tức là chỉ có một người tự tổ chức kinh doanh vận tải, không có người thứ hai tham gia kinh doanh với cá nhân đó. Trong khi đó, khoản 13 quy định "Đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn. Quy định này không thể thực hiện được đối với cá nhân kinh doanh vì họ chỉ có một người, không thể đáp ứng yêu cầu của khoản 13, tức là không khả thi đối với cá nhân kinh doanh vận tải. Vì vậy, nên sửa lại khoản 13 là "Tổ chức kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn, cá nhân kinh doanh vận tải tự chịu trách nhiệm về an toàn, như thế thì sẽ phù hợp với khoản 4 của Điều 56./.

nhandan.vn Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com