Tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng các quốc gia cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việc Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là trách nhiệm của các quốc gia để thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu giảm phát thải nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định, ngày 16-5-2024 UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 493/UBND-VP3 yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường các-bon, đảm bảo thực hiện NDC…
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT): Xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực NN và PTNT và tổ chức thực hiện góp phần đảm bảo đạt mục tiêu cam kết theo NDC; chỉ đạo thực hiện bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trong đó ưu tiên trồng rừng phòng hộ và đặc dụng ven biển; ngăn chặn các hành vi vi phạm gây mất rừng, hủy hoại rừng, nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon từ rừng, nhân rộng mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon…; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp như ứng dụng các giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến trong trồng trọt, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, hiện đại hóa tưới nước và bón phân cho cây dài ngày; rút nước, phơi ruộng giữa vụ trong canh tác lúa, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn hoặc nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa, bón phân compost và sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ…; giảm phát thải khí mê-tan trong các tiểu lĩnh vực, đặc biệt là canh tác lúa nước và quản lý chất thải vật nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực TN và MT và tổ chức thực hiện góp phần đảm bảo đạt mục tiêu cam kết theo NDC; theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện NDC, định kỳ hàng năm gửi báo cáo kết quả về Bộ TN và MT, UBND tỉnh theo quy định.
Các Sở: Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện góp phần đảm bảo đạt mục tiêu cam kết theo NDC.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh, phương thức tạo tín chỉ các-bon, tham gia thị trường các-bon tự nguyện.
UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn các huyện, thành phố và tổ chức thực hiện góp phần đảm bảo đạt mục tiêu cam kết theo NDC; chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp giảm phát thải nhà kính trên tất cả các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải,… thuộc địa bàn quản lý.
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tham gia các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính; tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tuyên truyền triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá quá trình thực hiện./.
Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin