Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Nam Định đạt tổng số 66,67 điểm, cao hơn năm trước 1,38 điểm; nằm trong nhóm tỉnh đạt điểm số trung vị của cả nước (66,66 điểm). Cũng như năm ngoái, với tổng điểm PCI năm 2023 đạt được, Nam Định nằm trong nhóm không công bố thứ hạng của nửa cuối bảng xếp hạng. Mục tiêu của việc không công bố thứ hạng nửa cuối bảng được lý giải là nhằm khuyến khích các địa phương tập trung nỗ lực bước vào nhóm dẫn đầu PCI hàng năm.
So với năm 2022, trong 10 chỉ số thành phần PCI có 6 chỉ số tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường đạt 7,21 điểm, tăng 0,18 điểm; tính minh bạch đạt 5,97 điểm, tăng 0,30 điểm; chi phí thời gian đạt 8,32 điểm, tăng 0,92 điểm; chi phí không chính thức đạt 6,96 điểm, tăng 0,03 điểm; tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 7,07 điểm, tăng 0,23 điểm; đào tạo lao động đạt 6,26 điểm, tăng 0,74 điểm. Có 4/10 chỉ số thành phần giảm điểm là: Tiếp cận đất đai đạt 7,19 điểm, giảm 0,38 điểm; Cạnh tranh bình đẳng đạt 4,17 điểm, giảm 0,14 điểm; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,42 điểm, giảm 0,52 điểm; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 8,10 điểm, giảm 0,34 điểm.
Sau khi thí điểm vào năm 2022, năm nay Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hoàn thiện và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là Bộ chỉ số cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường. Theo đó, chỉ số PGI năm 2023 của tỉnh Nam Định đạt 27,75 điểm, tăng 15,35 điểm so với năm 2022; trong đó 3/4 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai tăng 4,55 điểm; Đảm bảo tuân thủ tăng 0,2 điểm; Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ tăng 2,48 điểm; chỉ số còn lại là Thúc đẩy thực hành xanh giảm 0,83 điểm
Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức, doanh nghiệp chật vật đương đầu với nhiều khó khăn về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, thiếu hụt nguồn nhân lực lành nghề, cũng như các thủ tục hành chính; phải đối mặt với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng; tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động trong thời gian tới chỉ ở mức thấp. Những yếu tố từ bên ngoài làm gia tăng khó khăn với hoạt động kinh doanh như căng thẳng địa chính trị tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới; lạm phát vẫn ở mức cao ở nhiều quốc gia; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu suy giảm; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng... Bối cảnh này cho thấy các cấp chính quyền, ngành chức năng phải nỗ lực nhiều hơn so với mọi năm trong nhiệm vụ trợ lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Cũng theo Bảng xếp hạng chỉ số PCI, năm 2023 Nam Định dù nằm trong làn sóng các tỉnh, thành phố đã quyết liệt hơn trong nâng hạng các điểm chỉ số; nhưng sự nỗ lực của một số địa phương đã có tính bứt phá hơn hẳn. Kết quả này đẩy một số tỉnh, thành phố từng nhiều năm có mặt trong "top" 30 tụt hạng; buộc các tỉnh thuộc nhóm ở nửa cuối bảng xếp hạng phải thẳng thắn nhìn nhận, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng và sự hài lòng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp./.
Thanh Thuý
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin