Ngày 9-1, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tiến hành Chương trình giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT). Các đồng chí: Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thị Thúy Ngọc, Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Trần Thị Quỳnh, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) và đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Buổi làm việc với Sở KH và ĐT là buổi làm việc đầu tiên của Đoàn ĐBQH tỉnh trong thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nam Định" theo Kế hoạch số 544/KH-ĐGS ngày 6-10-2023 của Đoàn Giám sát của Quốc hội.
Nghị quyết số 43/2022/QH15 bao gồm các chính sách tài khóa miễn, giảm thuế, chính sách đầu tư phát triển (y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng); hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động đang ở trọ, tăng mức bảo lãnh của Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ vốn vay; điều hành chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và áp dụng các chính sách phát triển hạ tầng viễn thông, internet, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Sở KH và ĐT: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giúp tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Từ nguồn vốn Trung ương bố trí theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh được phân bổ đầu tư và triển khai thi công 5 dự án trên địa bàn, bao gồm: Xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định; xây mới, cải tạo, nâng cấp 66 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Nam Định; xây dựng, nâng cấp, cải tạo các cơ sở trợ giúp xã hội tỉnh Nam Định; xây dựng, cải tạo, nâng cấp Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định; xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Trong các năm 2022, 2023, để 5 dự án trên sớm hoàn thiện, đưa dự án vào sử dụng góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi và phát triển, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết về định mức, nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Nhà nước tỉnh Nam Định, trong đó đã bổ sung thêm vào mục Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn nội dung: “Bố trí đủ vốn cho các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời thông qua Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh là 2.032,3 tỷ đồng (bao gồm 1.511 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và 521,3 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương), đạt 100% tổng mức đầu tư của các dự án.
Tại hội nghị, theo yêu cầu của các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh, Sở KH và ĐT giải trình kỹ hơn về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đầu tư các dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, như: Do thời gian triển khai gấp nên công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án được bố trí vốn ngân sách Trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc khởi công, thi công và giải ngân vốn đầu tư công của các dự án bị chậm so với dự kiến. Toàn bộ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ Chương trình được bố trí hết trong năm 2023 đã tạo áp lực giải ngân hết toàn bộ vốn trong năm 2023. Đối với dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, do dự án nằm trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Bình, Nam Định và thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, các thủ tục đầu tư cần có sự thỏa thuận, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, dẫn đến thời gian chuẩn bị cho công tác khởi công xây dựng công trình bị kéo dài sang năm 2024.
Theo chương trình giám sát chuyên đề, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục các buổi làm việc đến ngày 22-1-2024 tại các đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Cục Thuế tỉnh và UBND tỉnh. Mục đích của chương trình giám sát chuyên đề nhằm đánh giá toàn diện, khách quan kết quả đạt được của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành văn bản, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong các trường hợp tương tự; các cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù triển khai các dự án quan trọng quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án. Đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới và trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. /.
Tin, ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin