Ngày 13-12, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2501/QĐ-UBND về Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí (MTKK) tỉnh Nam Định giai đoạn 2024-2030 nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng MTKK thông qua kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải; giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí phù hợp với Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng MTKK giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, UBND tỉnh đặt mục tiêu cụ thể của Kế hoạch đến năm 2030 như sau: Quản lý chất lượng MTKK bảo đảm đạt QCVN 05:2023/BTNMT - Quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí. Tăng cường kiểm soát phát thải từ các nguồn thải trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên khu vực thành phố Nam Định, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề phát sinh nhiều khí thải. Kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông cơ giới đường bộ; từng bước chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sinh học, điện cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Kiểm soát các nguồn khí thải công nghiệp thuộc các loại hình sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, tái chế chất thải; đảm bảo 100% cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát; 100% cơ sở xả khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đảm bảo khí thải phát sinh được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra môi trường; không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm MTKK nghiêm trọng. Kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp; hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt đốt phế phẩm nông nghiệp tự phát sau thu hoạch; 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn có công trình xử lý chất thải đảm bảo quy định; 100% công trình xây dựng thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường trong thi công và vận chuyển nguyên vật liệu. Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí tại các đô thị, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải; tập trung đầu tư và đưa vào vận hành các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục để cập nhật, cung cấp thông tin diễn biến chất lượng MTKK đến cộng đồng.
Trong kế hoạch, UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý chất lượng MTKK cụ thể, trực tiếp cho các sở, ban, ngành, các địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo chức năng nhiệm vụ, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện.
UBND tỉnh yêu cầu giai đoạn 2024-2030 các sở, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý chất lượng MTKK; kiểm soát MTKK từ nguồn xuất phát điểm; kiểm soát MTKK theo nguồn di động; kiểm soát MTKK từ nguồn phát thải điện theo các ngành, lĩnh vực (nguồn nông nghiệp, nguồn năng lượng, nguồn làng nghề, nguồn xây dựng, kiểm soát chất thải rắn). Đồng thời, phải chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp gồm: Tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng MTKK; nâng cao năng lực phòng ngừa, cảnh báo ô nhiễm môi trường không khí; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về quản lý chất lượng MTKK./.
Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin