Sáng 22-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam”. Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện các bộ, ban, ngành liên quan...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành...
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa; bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đã từng bước được nâng cao. Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đầu tư, nắm bắt cơ hội, triển khai hình thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá để kinh doanh, phát triển, mang lại những lợi ích nhất định về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng. Bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm. So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của nước ta với tình hình chung trên thế giới cho thấy Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hoá và còn nhiều dư địa phát triển...
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và đại biểu một số hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp liên quan phát biểu tham luận chia sẻ về kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lĩnh vực được giao; những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư về các ngành công nghiệp văn hóa...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam cần phải bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; việc phát triển phải góp phần quan trọng vào việc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phải được bình đẳng với các ngành khác về vốn, đất đai, ưu đãi; phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, liên kết chặt chẽ với các ngành, các lĩnh vực; đặc biệt, phải gắn với phát triển du lịch và đảm bảo được các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, mang tính chuyên nghiệp cao, cạnh tranh lành mạnh, bền vững; gắn với việc quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ báo cáo và các ý kiến tham luận tại hội nghị, phối hợp các bộ, ngành, địa phương, tham mưu trình Chính phủ ban hành các văn bản phù hợp để đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam; trong đó chú ý triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp văn hóa một cách phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan tập trung cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa, tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ phát triển, xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý về vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của từng bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong bối cảnh mới và hội nhập quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính tạo môi trường pháp lý ổn định, thông thoáng và thuận lợi thu hút, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đối với các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công nghiệp văn hóa nhằm kết nối và chia sẻ thông tin kịp thời về những nội dung mà xã hội quan tâm. Tăng cường thu hút và hỗ trợ đầu tư; phát triển thị trường để quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam... Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý, điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội và thực tiễn triển khai để có các giải pháp cụ thể và cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam./.
Tin, ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin