UBND tỉnh Quảng Trị vừa ký Quyết định phê duyệt khu vực ở biển để nhận chìm chất nạo vét với diện tích 720ha, có sức chứa 5,4 triệu m3.
Theo Quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị có 2 khu vực để nhận chìm chất nạo vét, trong đó khu vực 1 tại vùng biển huyện Gio Linh có diện tích 320ha và khu vực 2 thuộc vùng biển huyện Hải Lăng có diện tích 400ha. Khu vực 1 có sức chứa 2,4 triệu m3, khu vực 2 có sức chứa 3 triệu m3. Khối lượng nhận chìm tối đa trong một ngày đối với khu vực 1 là 11.500m3 và khu vực 2 là 14.400m3. Thời gian tiến hành nhận chìm phù hợp nhất từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm.
UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố khu vực để nhận chìm chất nạo vét ở biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Trị; thẩm định, trình UBND tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Hàng năm, Sở này có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quan trắc và giám sát môi trường tại các khu vực ở biển để nhận chìm chất nạo vét theo nhiệm vụ được giao. Sau 5 năm tổ chức khảo sát và đánh giá lại môi trường, đa dạng sinh học, phát tán, lan truyền vật chất ở khu vực biển nhận chìm để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh trong việc cấp giấy phép nhận chìm cho các dự án tiếp theo.
TP Hồ Chí Minh: Sắp xếp hành chính cấp xã tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp
Theo Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ mất nhiều thời gian điều chỉnh giấy tờ hành chính, tuy nhiên sẽ tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt chủ trương cũng như đảm bảo việc hỗ trợ cho người dân, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025, trong đó đề ra mục tiêu chậm nhất trong năm 2025 sẽ hoàn thành việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng quy định về xác định thời hạn chuyển tiếp việc sử dụng các loại giấy tờ liên quan đến quyền nhân thân, quyền tài sản của người dân ở các đơn vị hành chính hình thành mới sau sắp xếp; thời hạn các cơ quan có thẩm quyền phải hoàn thành việc cấp đổi giấy tờ mới liên quan đến việc thực hiện quyền của người dân sau sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, hướng dẫn chuyển đổi địa chỉ cư trú của công dân do thay đổi địa giới và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp.
Thái Bình: Ra mắt 16 mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”
Nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cấp xã, chú trọng phong cách “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục” đối với nhân dân, lần đầu tiên tỉnh Thái Bình triển khai các mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” tại các xã, phường, thị trấn.
Bắt đầu từ tháng 9, tháng 10 vừa qua, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình đồng loạt tổ chức ra mắt 16 mô hình thí điểm nêu trên. Mỗi huyện, thành phố đã ưu tiên lựa chọn những xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân; có cơ sở vật chất khang trang và đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, đoàn kết, trách nhiệm.
Đối với tiêu chí chính quyền thân thiện, trách nhiệm có quy định rõ về việc gửi thư chúc mừng nhân sự kiện lớn ở địa phương; có thư cảm ơn đối với những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho địa phương bằng vật chất, công sức, trí tuệ; có thư chia buồn đến gia đình công dân có người thân qua đời… Bên cạnh đó, thực hiện xin lỗi khi cán bộ, công chức có lỗi với người dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ. Hình thức xin lỗi có thể gặp trực tiếp, gọi điện hoặc gửi thư xin lỗi./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin