Phiên họp thứ sáu Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

19:31, 14/11/2023

Chiều 14-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã chủ trì phiên họp thứ sáu của BCĐ. Dự phiên họp có các đồng chí Phó Trưởng Ban và các thành viên BCĐ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phiên họp được tổ chức trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Nam Định có các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ CCHC tỉnh; Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ CCHC tỉnh; Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đại biểu dự phiên họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Nam Định.
Các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ CCHC tỉnh; Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đại biểu dự phiên họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Theo báo cáo của BCĐ, trong 10 tháng năm 2023 công tác chỉ đạo điều hành CCHC đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, công điện đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thành lập 5 tổ công tác, 26 đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới; nhiều vướng mắc về sản xuất, kinh doanh, tài khóa, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… được tháo gỡ. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh. Từ 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 437 thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân; 21/22 Bộ và 61/63 địa phương đã công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ... Chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số được triển khai quyết liệt, thực chất. Việc triển khai Đề án 06 đạt hiệu quả, trong đó đã tích hợp, cung cấp 35/53 dịch vụ công thiết yếu; 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; cấp trên 84,7 triệu căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt trên 45 triệu tài khoản VneID; chuẩn hoá, xử lý hơn 17 triệu SIM thuê bao; xác thực hơn 91,2 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội; làm sạch 42 triệu dữ liệu tài khoản ngân hàng...

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và ghi nhận sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, nhờ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực trên cả 6 nội dung của nhiệm vụ CCHC, đặc biệt là sự đổi mới trong cải cách thể chế, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và sức lan tỏa của nhiệm vụ CCHC đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ 6 nội dung CCHC để tạo ra đột phá, nhất là cải cách TTHC cho người dân và doanh nghiệp tại cơ sở. Rà soát, đổi mới phương thức, cách làm, thay đổi tư duy trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Thực hiện nghiêm việc người đứng đầu địa phương lắng nghe ý kiến, đối thoại với người dân. Đặc biệt lưu ý, khi xây dựng văn bản, các bộ, ngành cần rà soát kỹ phân cấp, phân quyền; rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số./.

Tin, ảnh: Ngọc Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com