Từ nay đến năm 2030, Kiên Giang tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; đặt mục tiêu đón 23,7 triệu lượt du khách đến tham quan, trong đó du khách quốc tế là 1,7 triệu lượt người.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh, tỉnh phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên tự nhiên, tính độc đáo về văn hóa, con người Kiên Giang. Địa phương hình thành các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố và quốc tế;…
Địa phương triển khai các đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cụ thể là các đề án: Cơ cấu lại ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… Địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch mới, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và có sức cạnh tranh cao, nhằm xây dựng và giữ gìn thương hiệu du lịch Kiên Giang. Ngành nông nghiệp và du lịch phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đưa sản phẩm OCOP là sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với chương trình phát triển du lịch của tỉnh.
Bắc Ninh: Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm
Bắc Ninh là một trong ba địa phương của cả nước thực hiện thí điểm ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP). Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 10.600 cơ sở, trong đó hơn 10.300 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ký bản cam kết bảo đảm ATTP (đạt 97,2%, tăng 38% so với cùng kỳ giai đoạn trước). Ban quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đã tích cực chủ động triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống… Trong sáu năm (2018-2023), có hơn 15.500 cơ sở được thanh, kiểm tra, trong đó có hơn 12.200 cơ sở (chiếm 78%) đạt ATTP, gần 3.500 cơ sở không đạt. Các lực lượng chức năng ban hành 395 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 397 người mắc, không có trường hợp tử vong; xảy ra một sự cố về ATTP tại bếp ăn tập thể trường học.
Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý ATTP tỉnh cũng thừa nhận, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm hiện nay gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý ATTP trong thời gian tới, HĐND tỉnh Bắc Ninh đề nghị các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ATVSTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhất là ở cơ sở, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đồng thời khuyến khích, động viên nhân dân phát hiện, tố giác hành vi vi phạm để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý triệt để, kiên quyết các tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin