Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định thảo luận tại Tổ 9 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Yên, Bến Tre, Quảng Ninh. Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ. |
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH trong tổ đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Tập trung vào các nội dung: sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014; sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng; việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án; quy định không tiến hành thanh tra, điều tra đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc đang trong quá trình tố tụng; tổ chức bộ máy của Tòa án...
Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định có 3 đại biểu phát biểu nêu ý kiến đóng góp vào dự thảo luật. Trong đó, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND là đúng định hướng, chủ trương của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần xem xét, cân nhắc lại việc đổi tên TAND cấp huyện, cấp tỉnh thành TAND sơ thẩm, phúc thẩm trong khi chức năng, nhiệm vụ vẫn giữ nguyên như mô hình cũ là không hợp lý sẽ dẫn tới tên gọi và chức năng nhiệm vụ không thống nhất. Làm rõ quy định về Tòa án chuyên biệt và việc xét xử các vụ án chuyên biệt là đối với những tội phạm mới thì mới cần đến Tòa án chuyên biệt. Không quy định chung quyền tư pháp mà phải quy định rõ quyền tư pháp trong xét xử của TAND bởi vì nhiều cơ quan cùng thực hiện quyền tư pháp chứ không phải riêng TAND. Việc quy định về các đơn vị sự nghiệp trong hệ thống TAND tối cao đi làm dịch vụ pháp lý là chưa hợp lý, sẽ ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của cán cân pháp lý. Về nhiệm kỳ của thẩm phán cần làm rõ thẩm phán là chức vụ hay chức danh, bởi chức vụ thì mới bổ nhiệm theo nhiệm kỳ. Trong khi quy định thẩm phán là 1 chức danh. Đề nghị với chức danh thẩm phán bổ nhiệm suốt đời, trong quá trình giữ chức danh thẩm phán, hàng năm sẽ có kiểm tra, đánh giá, xếp loại, nếu có vi phạm thì sẽ do các cơ quan có thẩm quyền xử lý...
Kết luận phiên thảo luận tổ, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, Tổ trưởng thảo luận đánh giá cao chất lượng các ý kiến thảo luận của các đại biểu vào Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và đề nghị thư ký đoàn tổng hợp đầy đủ báo cáo Văn phòng Quốc hội./.
Tin: Văn Trọng
Ảnh: Thanh Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin