Cà Mau: Nông dân trồng lúa, nuôi tôm có trách nhiệm

08:12, 07/11/2023

Mô hình sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm được thí điểm thành công tại Cà Mau. Các đơn vị liên quan sẽ nhân rộng mô hình không chỉ ở Cà Mau mà còn ở các tỉnh thực hiện được trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án “Phát triển sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm” được Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú thực hiện thí điểm Cà Mau với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) hai năm qua.

Mô hình thí điểm được triển khai tại 17 hộ dân (ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình), với diện tích 46ha. Kết quả, năng suất tôm sú đạt 408kg/ha; năng suất lúa đạt 4,7 tấn/ha; tôm càng xanh đạt 350kg/ha; giúp nông dân tăng lợi nhuận gấp 2,8 lần so với hộ bên ngoài. Đặc biệt, một phần diện tích thí điểm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ASC.

Dự án “Phát triển sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm” thời gian tới, tiếp tục hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, nhận thức về sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm, an toàn môi trường. Thông qua thực hiện tiêu chuẩn ASC, hộ dân sẽ tăng thu nhập lên gấp 3 so với trước; toàn bộ sản phẩm được bao tiêu đầu ra và lợi nhuận đạt ít nhất 100 triệu đồng/ha/năm.

TP Hồ Chí Minh: Xe buýt mini - hướng mới cho giao thông công cộng xanh

Đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đang được Công ty TNHH Saigon Public Transport (đơn vị đề xuất) hoàn thiện, cập nhật để trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh thông qua.

Theo đề án, nhà đầu tư triển khai 200 xe điện 4 bánh từ 5-14 chỗ, vận tốc tối đa 30 km/h, giá vé 10-50 nghìn đồng mỗi lượt. Việc thí điểm chia làm ba giai đoạn, trong đó giai đoạn 1, chạy trong phạm vi giới hạn trên địa bàn Quận 1. Giai đoạn 2, phạm vi hoạt động của xe được mở rộng thêm sang Quận 5. Sau đó, xe điện tiếp tục mở rộng đến các địa điểm du lịch trên địa bàn Quận 3, 10 và thành phố Thủ Đức.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 2.000 xe buýt hoạt động và phần lớn từ 41 đến 60 chỗ, chủ yếu hoạt động ở các tuyến đường rộng 10m trở lên. Trong khi thành phố có hơn 3.400 đường (trên tổng số gần 5.000 tuyến) có bề rộng dưới 7m, rất khó để xe buýt loại lớn đi vào tiếp cận người dân.

Do đó việc phát triển buýt nhỏ giúp mở rộng phạm vi phục vụ và đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng trong phạm vi 500m, thuận lợi cho người dân đi lại. Xe nhỏ dễ kết nối các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, những nơi bị hạn chế về hạ tầng./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com