Những năm gần đây, phương thức chăn nuôi trong tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ; hình thức chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng được nhân rộng. Quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh được áp dụng tích cực trong sản xuất. Mối liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã, tổ hợp tác trong vấn đề bao tiêu sản phẩm được hình thành và phát triển.
Hiện toàn tỉnh có 444 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Chăn nuôi; trong đó có 10 trang trại quy mô lớn; 152 trang trại chăn nuôi quy mô vừa; 282 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ; có 4 trang trại quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Trong số 31 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh (1 cơ sở cấp xã) có 29 cơ sở nuôi lợn được công nhận an toàn với bệnh dịch tả lợn và lở mồm long móng, 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn với bệnh cúm gia cầm, Niu-cát-xơn.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các trang trại, cơ cấu giống vật nuôi đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và giống đặc sản phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Một số kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò, chương trình Sind hóa, nâng cao tầm vóc đàn bò được triển khai nhằm tạo con lai có năng suất, chất lượng thịt cao. Các chủ trang trại đã quan tâm và chủ động nhập con giống từ các cơ sở giống uy tín, an toàn dịch bệnh, không nhập giống không rõ nguồn gốc… góp phần bảo đảm an toàn ngành chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan. Bên cạnh đó, một số trang trại chăn nuôi, nhất là trang trại nuôi lợn quy mô vừa và lớn, đã tích cực liên kết với doanh nghiệp theo hình thức chăn nuôi gia công, giúp người chăn nuôi hạn chế rủi ro về dịch bệnh, ổn định đầu ra cho sản phẩm./.
Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin