Hà Nội: Xây dựng “tuyến phố không dùng tiền mặt”

07:59, 10/10/2023

Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức lễ phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Đây là một trong những sự kiện quan trọng hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10-2023 của thành phố Hà Nội. Đây cũng là hoạt động mở đầu cho việc triển khai diện rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô.

Tham dự sự kiện có 10 ngân hàng và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, giới thiệu rộng rãi tới người dân và các tổ chức các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, người dân, tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ một cách thuận tiện, dễ dàng.

Quận sẽ chọn những tuyến phố đặc thù như phố đi bộ, phố sách, phố ẩm thực, một số trung tâm thương mại, chợ truyền thống… để gắn biển công nhận “Tuyến phố không dùng tiền mặt”, từ đó nhân rộng trên địa bàn.

Phấn đấu đến tháng 12-2023, 100% tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh tại các tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận thực hiện được thanh toán không dùng tiền mặt.

Hà Nam: Cơ giới hóa nông nghiệp từ mô hình mạ khay, cấy máy

Sau 3 năm triển khai, đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023” đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường.

Xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm thực hiện thí điểm mô hình tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy từ năm 2022. Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể trong xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về lợi ích của mô hình mạ khay, cấy máy; đồng thời thực hiện hỗ trợ 50 nghìn đồng/sào từ nguồn ngân sách xã. Kết quả, vụ đầu tiên xã đã thực hiện đạt 98ha trong tổng số 240ha; năng suất lúa áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy đạt 64 tạ/ha, cao hơn 10-15 tạ/ha so với gieo sạ, đặc biệt đã hạn chế tối đa lúa cỏ phát triển trên diện tích cấy máy. Ngoài ra, khi sử dụng máy cấy, cây lúa được cấy với mật độ thưa, tận dụng được ánh sáng, cây lúa phát triển nhanh, đẻ nhánh khỏe, hạn chế sâu bệnh và cỏ dại do đó hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng góp phần bảo vệ môi trường.

Để phát huy hiệu quả của Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023”, các địa phương trong tỉnh cần quy hoạch lại đồng ruộng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi, xây dựng cánh đồng với phương châm “một cánh đồng - một giống”, để thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy; tạo mặt bằng để các tổ dịch vụ xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com