Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 1/7/2024

16:50, 31/10/2023

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 - cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng sơn) phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế-xã hội chiều 31/10. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng sơn) phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế-xã hội chiều 31/10. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Đánh giá bổ sung nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp tăng năng suất lao động

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, bên cạnh những kết quả rất trân trọng, năm 2023, có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77-4,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là 5,0-6,0%).

Ông Nghĩa nêu rõ, đây là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu này. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm: Giai đoạn 3 năm 2021-2023 chỉ đạt 4,36-4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016-2018.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này. Bởi tại các kỳ họp trước, đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến và kiến nghị các giải pháp về tăng năng suất lao động, phát huy lợi thế nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng.

Quang cảnh phiên thảo luận về kinh tế-xã hội chiều 31/10. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên thảo luận về kinh tế-xã hội chiều 31/10. (Ảnh: DUY LINH)

Cũng theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài.

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta, độ mở bao nhiêu là phù hợp và nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Từ đó, có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.

Nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, trên cơ sở rà soát, đại biểu Nghĩa đề nghị Chính phủ xác định những giải pháp trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải và bảo đảm tính khả thi cao. Đại biểu đề nghị quan tâm đến 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa; tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp. Đại biểu nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết 30/6/2024.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024, cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo Báo cáo số 286/BC-CP ngày 8/6/2023 của Chính phủ gửi đến Kỳ họp thứ 5, thủ tục hành chính của nhiều ngành, lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn, tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Trong báo cáo tổng hợp kiến nghị do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Kỳ họp thứ 6 , cử tri và nhân dân đề nghị các cấp chính quyền quan tâm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, công khai minh bạch các quy trình, thủ tục.

Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Do đó, đại biểu đề nghị trong kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Thứ ba, tăng cường liên kết vùng. Đại biểu Nghĩa cho biết, năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong 6 nghị quyết nêu trên vào cuộc sống.

Đề xuất giảm giờ làm việc cho người lao động xuống 40 giờ/1 tuần

Một vấn đề được đại biểu Nghĩa nêu là sau gần 80 năm độc lập, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế-xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần.

“Người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước”, đại biểu đoàn Lạng Sơn nhấn mạnh.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999), đồng thời cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.

Theo nhandan.vn



Tin đăng việc làm hà nội tại Vieclam24hCách tạo mẫu cv chuẩn

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com