Theo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, sau 10 tháng phát động, Chương trình một triệu sáng kiến đã hoàn thành, sớm 332 ngày so với kế hoạch đề ra và vượt gấp đôi chỉ tiêu.
Cụ thể, tính đến ngày 31-8, đã có hơn 2,4 triệu sáng kiến tham gia chương trình, với khoảng 2 triệu sáng kiến hợp lệ (đạt 203% chỉ tiêu). Trong đó, số lượng sáng kiến của đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp là 955.824 (chiếm 47%); số lượng sáng kiến của đoàn viên là công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp là 732.120 (chiếm 36%); số lượng sáng kiến của cán bộ công đoàn là 345.723 (chiếm 17%).
Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đã có nhiều giải pháp đổi mới như: Xác định việc tham gia Chương trình là chỉ tiêu nhiệm vụ hàng đầu trong đánh giá kết quả hoạt động thi đua cụm, khối; đưa nội dung Chương trình vào chỉ tiêu nhiệm vụ công tác hàng năm để đánh giá thi đua các đơn vị trực thuộc; Cụm trưởng, Khối trưởng các cụm, khối thi đua thuộc Tổng Liên đoàn thống nhất đưa vào nội dung giao ước thi đua; gắn nội dung triển khai Chương trình với việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công tác tại địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tập trung vào phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” và phong trào “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, nội dung của các sáng kiến rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ như: Tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động; tăng cường an toàn vệ sinh lao động, cải thiện đời sống và môi trường làm việc.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá, theo thống kê trên hệ thống phần mềm trực tuyến, tổng giá trị làm lợi của những sáng kiến này ước tính hơn 33 nghìn tỷ đồng./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin