Ngày 7-9, Văn phòng UBND tỉnh có văn bản số 670/VPUBND-VP3 gửi Công an tỉnh thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về việc xử lý đối với vụ việc tự ý hút cát cải tạo bãi và chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn trên khu vực Cồn Lu nằm trong phân khu phục hồi sinh thái thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy.
Cây ngập mặn bị chặt phá đang héo khô. |
Theo báo cáo tại Văn bản số 2678/ BC- SNN ngày 31-8-2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, VQG Xuân Thủy phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát tại hiện trường và hồ sơ, tài liệu liên quan, nội dung cụ thể như sau: Trước đó, ngày 7-6-2023 đoàn công tác gồm VQG Xuân Thuỷ, Hạt kiểm lâm Giao Xuân Hải, Đồn Biên phòng Ba Lạt tiến hành kiểm tra, phát hiện vụ việc hút cát cải tạo bãi và chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn trên khu vực Cồn Lu nằm trong phân khu phục hồi sinh thái thuộc VQG Xuân Thuỷ.
Ngang nhiên đưa máy vào VQG Xuân Thủy hút cát. |
Tại hiện trường phát hiện có khoảng 460m2 diện tích đất có cây mắm tái sinh và 4.000m2 diện tích đất có cây phi lao tái sinh đã bị chặt phá; đồng thời có khoảng 4.220m2 diện tích bãi bồi bị hút cát cải tạo bãi. Ngay sau đó, Sở NN và PTNT đã có Văn bản số 1633/SNN-CCKL ngày 13/6/2023, chỉ đạo VQG Xuân Thủy phối hợp với các cơ quan chức năng đình chỉ hành vi cải tạo bãi và chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn trên; xác minh diện tích, nguồn gốc, hiện trạng cây phi lao, cây ngập mặn bị chặt phá; xác minh làm rõ vụ việc, tính chất, mức độ từng hành vi vi phạm và tham mưu, đề xuất phương án xử lý theo quy định pháp luật.
Nhiều cây ngập mặn bị đốn hạ. |
UBND huyện Giao Thủy đã có Văn bản số 582/UBND-VP ngày 20/6/2023, yêu cầu xem xét, điều tra cụ thể vụ việc; trong đó chỉ đạo: Phòng NN và PTNT, VQG Xuân Thủy chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Công an huyện Giao Thuỷ để điều tra, xác minh vụ việc; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan để Công an huyện xem xét, điều tra, tham mưu xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Giao thủy đang tiến hành điều tra xử lý vụ việc thì phát hiện người dân tiếp tục tự ý hút cát, cải tạo bãi và chặt phá cây ngập mặn tại khu vực trên. Theo báo cáo của VQG Xuân Thủy và Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải, trong 2 ngày 22 và 23-8-2023 diện tích đất có cây ngập mặn bị chặt phá là 2.344m2 và diện tích đất bãi bồi bị hút cát cải tạo bãi là 1.385m2.
Người dân tự ý chăng lưới quây bãi. |
Kết quả tổng hợp đến ngày 23-8-2023 tại VQG Xuân Thủy đã có 6.804m2 đất có cây ngập mặn, cây phi lao tái sinh tự nhiên bị chặt phá (trong đó có khoảng 500 cây ngập mặn và 130 cây phi lao); 5.605m2 đất bãi bồi đã bị tự ý hút cát cải tạo bãi. Toàn bộ diện tích trên thuộc phân khu phục hồi sinh thái của VQG Xuân Thủy.
Chiếc chòi canh mới được lập quy mô khoảng 36m2. |
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16-11-2018 của Bộ NN và PTNT về quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng thì diện tích đất có cây ngập mặn, cây phi lao bị chặt phá trên là diện tích cây tái sinh tự nhiên, chưa đạt các tiêu chí thành rừng, chưa có hồ sơ khoanh nuôi tái sinh nên chưa được cập nhật vào số liệu hiện trạng rừng để theo dõi, quản lý. Do đó chưa xác định được đó là diện tích rừng đặc dụng và không thể áp dụng các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng để xử lý. Tuy nhiên, theo các văn bản: Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg ngày 2-1-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy thành VQG Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, với tổng diện tích là 7.100ha, (trong đó có 3.100ha đất nổi và 4.000ha là đất ngập nước); Quyết định số 2156/QĐ-UBND ngày 23-10-2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt khối lượng kiểm kê rừng năm 2015 (có hồ sơ, bản đồ kiểm kê rừng) thì diện tích đất nơi có cây ngập mặn, cây phi lao bị chặt phá và diện tích đất bãi bồi nơi bị tự ý cải tạo là thuộc phân khu phục hồi sinh thái của VQG Xuân Thủy và do VQG Xuân Thủy quản lý. Theo quy định tại Điều 2, Luật Lâm nghiệp năm 2017: “Phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng là khu vực được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để rừng phục hồi hệ sinh thái tự nhiên của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh”. Như vậy, khu diện tích đất trên cần được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để rừng phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, do đó không được chặt phá và tự ý cải tạo bãi bồi như đã nêu trên. Do vụ việc có tính chất phức tạp, Sở NN và PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cơ quan Công an tỉnh tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.
Hiện trường vụ việc xảy ra ngày 23-8-2023. |
Sau khi nhận được báo cáo của Sở NN và PTNT, UBND tỉnh đã giao "Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật"./.
Tin, ảnh: Khôi Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin