Từ sự chỉ đạo quyết liệt kết hợp khuyến khích của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các huyện, thành phố và người dân, đến tháng 7-2023, toàn tỉnh đã có 330 sản phẩm của 183 cơ sở sản xuất (bao gồm 84 hộ kinh doanh, 53 doanh nghiệp và 46 hợp tác xã), được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 47 sản phẩm hạng 4 sao và 283 sản phẩm OCOP hạng 3 sao; đặc biệt có 2 sản phẩm nghêu thịt đóng hộp Lenger của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định) và gạo sạch chất lượng cao 888 của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) đang được UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh khá đa dạng từ lĩnh vực du lịch, thực phẩm đến nông sản, thủy sản… Trong đó, nhóm sản phẩm lĩnh vực thực phẩm chiếm nhiều nhất với 307 sản phẩm (tỷ lệ 93,31%). Chất lượng sản phẩm OCOP của các địa phương được đánh giá tốt, hình thức, mẫu mã bao bì đẹp, đa dạng, bảo đảm các quy định và gắn với đặc trưng của địa phương. Các sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ bằng nhiều hình thức như trên các sàn giao dịch điện tử Voso.vn, PosMart.vn, các ứng dụng mạng xã hội…; tham gia các hội chợ thương mại của tỉnh và các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước…
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chủ thể sản phẩm OCOP hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP theo Bộ tiêu chí Chương trình OCOP. Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển mới các sản phẩm OCOP; đồng thời tham mưu giúp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thực chất, công khai, minh bạch; đi sâu hỗ trợ các chủ thể cải tiến, nâng cấp chất lượng sản phẩm, bảo đảm thị trường đầu ra ổn định, góp phần tăng thu nhập và tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của các địa phương./.
Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin