Đến hết tháng 6-2023, các địa phương trong tỉnh đã thả nuôi thủy sản được khoảng 94% tổng diện tích theo kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 2.000ha; tôm thẻ chân trắng khoảng 750ha; nuôi thả nước ngọt đạt 95% kế hoạch. Diện tích nuôi thả xen, thả gối vụ, thả san thưa dần các đối tượng nuôi khác vẫn phát triển ổn định, bảo đảm an toàn, không phát sinh dịch bệnh và thiệt hại do thiên tai.
Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trong ngày cao từ 37-39oC kéo dài liên tục từ 7-10 tiếng, vì vậy Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, bảo vệ an toàn cho các đối tượng thủy sản. Theo đó, đối với diện tích nuôi cá, người dân cần duy trì mực nước trong ao nuôi trên 1,5m và từ 1,5-1,6m với ao nuôi tôm. Đối với cá ao nuôi nước ngọt thực hiện các biện pháp làm giảm nhiệt độ môi trường nước bằng cách tạo khung bèo lục bình khoảng 1/3-1/4 diện tích mặt ao nuôi làm nơi trú nắng cho cá; tiến hành che phủ lưới để hạn chế nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi cá và tôm nước nợ; hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng và thời điểm nắng nóng trong ngày. Bên cạnh đó, người dân cần sử dụng máy bơm nước, quạt ô-xy để tránh hiện tượng phân tầng nước và tăng cường máy quạt nước tạo ô-xy vào ban đêm. Đối với diện tích nuôi tôm cần quạt nước ao nuôi 24/24h trong ngày để tăng hàm lượng ô-xy và tránh hiện tượng phân tầng nước trong ao. Thường xuyên bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá; giảm lượng thức ăn hàng ngày từ 20-30% và bổ sung các loại Vitamin C, khoáng chất, men vi sinh đường ruột, chất bổ gan nhằm tăng sức đề kháng cho tôm./.
Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin