Ngày 19-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã chủ trì phiên họp thứ năm của BCĐ được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành là các Phó Trưởng BCĐ, các thành viên BCĐ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. |
Tham dự phiên họp tại đầu cầu tỉnh Nam Định có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Lê Đoài, Hà Lan Anh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại phiên họp, 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận ở cả 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đã quyết liệt giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến CCHC, nhất là TTHC; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an. Đã hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đã có 52 tỉnh, thành phố đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị Bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý, giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức. 11/63 tỉnh, thành phố đã triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các hoạt động đăng ký tài khoản, thực hiện dịch vụ giải quyết TTHC, giao dịch thanh toán trên môi trường trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia tăng mạnh. Đến ngày 21-6-2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296/845 nhiệm vụ CCHC, đạt 35,03% kế hoạch năm; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384/3.003 nhiệm vụ CCHC, đạt 46,09% kế hoạch năm...
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC năm 2023, các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm gồm: Rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật xem vướng ở đâu để điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát lại hoạt động CCHC, chú trọng đơn giản các thủ tục TTHC người dân đang quan tâm như là các lĩnh vực tín dụng, hoàn thuế giá trị gia tăng, đất đai và 3 lĩnh vực động lực thúc đẩy phát triển kinh tế gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; trọng tâm là 55 nhóm TTHC thuộc 12 lĩnh vực ưu tiên rà soát được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15-9-2022. Rà soát, xử lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác CCHC, giải quyết TTHC theo hướng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trên cơ sở chức năng, quyền hạn của mình, chủ động ban hành hoặc đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy CCHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm quy định bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy, hướng dẫn đầy đủ, thống nhất việc sử dụng CSDL dân cư, mã số định danh cá nhân trong giải quyết TTHC cho người dân theo quy định của Luật Cư trú năm 2020. Nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06. Tập trung chuyển đổi số theo lộ trình của Chính phủ; đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ việc giải quyết TTHC; tích cực cung cấp dịch vụ công trực tuyến/.
Tin, ảnh: Thanh Thuý
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin