Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

19:41, 04/07/2023

Ngày 4-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023. Tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đất nước ta đã đi được nửa chặng đường của năm 2023, đồng thời cũng đi được nửa nhiệm kỳ 2021-2025. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; ở trong nước nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ tích cực của doanh nghiệp và người dân, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành, quản lý, thực hiện các nhiệm vụ được giao kịp thời, hiệu quả hơn trong tình hình khó khăn. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, tốt hơn tháng 5 và quý II tốt hơn quý I trên nhiều lĩnh vực, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng năm 2023. Những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Bên cạnh những kết quả đạt được tình hình kinh tế - xã hội còn những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã có các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế. 

Về mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu, kiên định, kiên trì tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo tăng trưởng khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% và bảo đảm đời sống nhân dân.

Thủ tướng đã chỉ rõ 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm. Thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua các địa phương. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả, không hứa suông. Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm…

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền. Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh theo thẩm quyền; thành lập và phát huy vai trò Tổ công tác đặc biệt thực hiện nhiệm vụ này do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng. Chủ động rà soát, có biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện các dự án công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại; phối hợp xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp trên địa bàn; nghiên cứu, chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người lao động. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com