Ngày 11-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 826/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cơ cấu tổ chức Hội đồng điều phối vùng bao gồm: Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Chủ tịch Thường trực; 4 Phó Chủ tịch gồm các Bộ trưởng: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương. 24 Ủy viên Hội đồng gồm 13 Thứ trưởng và tương đương của các Bộ và 11 Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình.
Hội đồng điều phối vùng có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng ĐBSH. Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSH, thúc đẩy liên kết vùng và tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương. Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.
Điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Điều phối các bộ, ngành Trung ương cho ý kiến về: đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng và bố trí nhà ở, các công trình văn hóa, phúc lợi tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, giải quyết các tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, quan trọng của vùng. Thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển Hiệp hội doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội liên minh, liên minh hợp tác xã của toàn vùng ĐBSH. Phối hợp với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng.
Hội đồng có quyền quyết định sử dụng nguồn lực tài chính, nguồn lực khác được giao để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng vùng và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của pháp luật./.
Thanh Thuý
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin