Lạng Sơn: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 7,5%

07:49, 17/07/2023

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 5,32%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước; đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 7 khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 4.300 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 2.280 triệu USD, tăng hơn 101% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu đạt 1.280 triệu USD, tăng 322,4%, nhập khẩu đạt 1.005 triệu USD, tăng 20,6%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,79% so với cùng kỳ năm trước; lượng khách du lịch tăng 26,73%, đạt 2,82 triệu lượt người, doanh thu từ du lịch tăng 145,39%, đạt 2.161,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội; công tác an sinh xã hội thực hiện tốt; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2023 từ 7-7,5%, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút nhà đầu tư, tập đoàn lớn, tiềm năng.

Bình Thuận: Đặt mục tiêu có ít nhất 20 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên trong năm 2023

Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2023, tỉnh Bình Thuận phấn đấu có thêm ít nhất 20 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, nâng cao chất lượng các sản phẩm tiềm năng; đồng thời hỗ trợ ít nhất 2 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu, Bình Thuận đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về Chương trình OCOP trên phạm vi toàn tỉnh cho các chủ thể tham gia OCOP; tổ chức khảo sát, đánh giá và tư vấn để các chủ thể nâng cấp sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP để đạt từ 3 đến 5 sao cấp tỉnh... Đặc biệt là tuyên truyền cho người dân và đội ngũ cán bộ quản lý hiểu về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP; hiểu rõ bản chất của chương trình và nắm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện chương trình, từ đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả. Song song với việc tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chứng nhận, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá giúp sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối để nông dân, hợp tác xã ký gửi sản phẩm./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com