Sáng 17-7, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị về công tác ứng phó với cơn bão số 1 và mưa lũ sau bão. Dự hội nghị có đồng chí Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban PCTT và TKCN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định; Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. |
Cơn bão số 1 (tên quốc tế là Talim) đang hoạt động ở phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Theo dự báo, bão số 1 còn tiếp tục mạnh lên cấp 12-13, giật cấp 15; từ chiều 17-7-2023 bão có thể sẽ gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền ven biển Bắc Bộ. Hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, nguy cơ cao xảy ra ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng thấp trũng.
Dự báo, do ảnh hưởng của bão số 1, từ đêm 17-7 đến ngày 20-7 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, sau có mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng phổ biến từ 100-200mm; thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu phổ biến từ 150-250mm.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 1 gây ra, ngay khi nắm bắt thông tin chỉ đạo của Trung ương, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ công tác chỉ đạo ứng phó bão; kiểm tra rà soát thực trạng và chủ động phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, các trọng điểm đê kè xung yếu và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch; khoanh vùng, vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để tiêu thoát nước; thống kê số lượng nhà yếu, nhà tạm kèm theo số nhân khẩu trên địa bàn dự kiến phải sơ tán, có phương án sơ tán cụ thể khi có lệnh; kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn… Đến nay, các điểm xung yếu phòng, chống lụt bão, nhất là các trọng điểm trên tuyến đê biển đã xây dựng phương án bảo vệ phòng, chống lụt bão theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Hiện đang trong giai đoạn gieo cấy lúa mùa, do đó các ngành, các địa phương đã chủ động chuẩn bị phương án chống ngập úng cho các diện tích mạ, lúa mới gieo sạ, rau màu theo phương án: Tổ chức tiêu rút nước đệm theo đúng quy trình vận hành; khi xảy ra ngập úng tập trung mở các cống tiêu vùng triều, vùng phía bắc tỉnh vận hành các trạm bơm điện lớn; khoanh vùng, sử dụng bơm dã chiến để bảo vệ diện tích lúa mới cấy và rau màu. Công tác chống ngập úng một số khu vực trũng thấp khu đô thị, thành phố được thực hiện theo phương án: Vận hành 2 trạm bơm Quán Chuột và Kênh Gia tiêu thoát nước mưa; Công ty Môi trường đô thị Nam Định cử lực lượng ứng trực tại các nơi úng ngập, tổ chức hướng dẫn giao thông và thu dọn vệ sinh cho tới khi nước rút hết.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị nhấn mạnh: Dù đã thực hiện tốt công tác chủ động phòng, chống cơn bão số 1 nhưng các ngành, các địa phương cần đặc biệt lưu tâm thực hiện hiệu quả 4 vấn đề Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trực tiếp chỉ đạo, bao gồm: Không lơ là chủ quan; phải căn cứ thực tế để sẵn sàng phương án ở từng địa phương; phải sẵn sàng và đảm bảo công tác ứng cứu, hỗ trợ chống bão tốt nhất và phải thực hiện chu đáo nhất có thể các biện pháp chuẩn bị chống bão, nhất là công tác tiêu thoát nước, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Ngoài ra, các ngành, các địa phương, đơn vị phải đặc biệt lưu tâm theo dõi chặt chẽ, kịp thời cập nhật và thông tin đầy đủ mọi diễn biến của bão để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão.
Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố (đặc biệt là các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng) phải hoãn các cuộc họp chưa cấp bách để tập trung vào phòng, chống bão. Chú trọng sẵn sàng thực hiện phương án tiêu thoát nước, chống ngập úng cho khu vực sản xuất nông nghiệp và các khu vực trũng thấp tại đô thị, thành phố Nam Định. Gấp rút kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 18 giờ ngày 17-7-2023. Cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 12 giờ ngày 17-7-2023. Cấm biển từ 12 giờ ngày 17-7-2023 đến khi có tin bão cuối cùng. Có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu./.
Tin: Thanh Thúy
Ảnh: Viết Dư
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin