Đã kêu gọi được 1.746 tàu thuyền, 5.225 lao động khai thác thuỷ sản vào nơi tránh trú bão an toàn

17:57, 17/07/2023

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, để chủ động ứng phó với cơn bão số 1, các ngành, các địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho tài sản, tính mạng nhân dân.

Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão số 1 tại Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu).
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão số 1 tại Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu).

 Tính đến 15 giờ ngày 17-7 đã kêu gọi được 1.746/1.776 tàu thuyền với 5.225/5.344 lao động khai thác thuỷ sản vào nơi tránh trú bão an toàn. Có 30 tàu thuyền với 119 lao động đang hoạt động ngoài biển; trong đó 24 tàu thuyền với 74 lao động hoạt động tại vùng ven biển Nam Định, đi về trong ngày; 6 tàu thuyền với 45 lao động hoạt động tại vùng biển từ Nam Định đến Thanh Hoá, Hà Tĩnh. Tất cả số phương tiện và ngư dân đều đã nhận được thông tin bão số 1. Toàn tỉnh có 1.019 lều, chòi với 1.228 lao động tại vùng đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản ngoài đê và 213 lồng bè nuôi trồng thủy sản của 20 cơ sở. Các đơn vị chức năng đã thông báo để người dân hoạt động ngoài bãi nuôi trồng thuỷ sản, trên lồng bè nắm được và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, sẵn sàng vào bờ tránh trú khi có lệnh. 

Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão số 1 tại Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu).
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão số 1 tại Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu).

Các địa phương đã chủ động xây dựng phương án bảo vệ 27 trọng điểm đê, kè xung yếu (trong đó có 21 trọng điểm trên đê sông, 6 trọng điểm trên đê biển) theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Tại tuyến đê biển huyện Hải Hậu đã hoàn thành xử lý giờ đầu sạt, sập mái kè biển Hải Thịnh 2 (tại các vị trí K22+997, K23+085, K22+980 đến K22+290, K22+004-K23+080), Táo Khoai (tại vị trí K18+290) và cánh mỏ kè phía tây trực diện với biển.

Về sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa đã cấy, sạ đạt 69.250ha, bằng 96% kế hoạch; diện tích cây màu đã gieo trồng 8.150ha, bằng 96% kế hoạch. Các đơn vị quản lý công trình thủy nông đã cử cán bộ thường trực 24/24h theo dõi mực nước, chủ động tiêu rút nước đệm theo đúng quy trình vận hành; kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng kích hoạt tiêu nước cho lúa mới cấy, rau màu và các khu vực trũng, thấp.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các cấp, ngành và các địa phương tiếp tục công tác kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra toàn tuyến đê điều trên địa bàn, đặc biệt đối với các tuyến đê biển; có phương án xử lý giờ đầu đối với những điểm xung yếu, nhất là ở những vị trí đã bị sạt lở. Khoanh vùng, vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để tiêu thoát nước chống ngập úng do mưa lớn. Kiểm soát số lượng nhà yếu, nhà tạm kèm theo số nhân khẩu liên quan trên địa bàn dự kiến phải sơ tán, sẵn sàng phương án sơ tán khi có lệnh. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình theo quy định./.

Tin, ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com