Ngày 19-7, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (16-7-2003 - 16-7-2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT và TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và địa phương đã đến dự.
Các đại biểu tham dự buổi lễ. |
Trong diễn văn lễ kỷ niệm, đồng chí Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, năm 1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng Internet toàn cầu, mở ra một thời kỳ mới cho báo chí, truyền thông nước ta. Báo chí điện tử ra đời đòi hỏi công tác quản lý báo chí phải có sự thay đổi để theo kịp sự phát triển. Giai đoạn này, Vụ Báo chí thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin (VH-TT) là cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí trên toàn quốc… Trên cơ sở đề xuất của Vụ Báo chí, ngày 16-7-2003, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị đã ký quyết định số 22/2003/QĐ-VHTT thành lập Cục Báo chí.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cục Báo chí. |
Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí. Bước sang thời kỳ đổi mới toàn diện ở Việt Nam, hệ thống quan điểm của Đảng lãnh đạo về báo chí ngày càng được hoàn thiện theo phương châm “Phát triển gắn liền với quản lý báo chí”, “Phát triển phải đi đôi với quản lý báo chí.” Năm 2019, thực hiện chủ trương của Đảng, Cục Báo chí là đơn vị chủ trì đã tham mưu Bộ TT và TT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quy hoạch báo chí đã thể chế hoá quan điểm phát triển của Đảng qua các thời kỳ về xây dựng mô hình cơ quan báo chí tinh gọn, hiệu quả, tập trung cho cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội; sắp xếp cơ quan báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí. Cục Báo chí được giao chủ trì triển khai dự án Đào tạo lại báo chí Việt Nam. Giai đoạn 1, từ năm 1998 đến năm 2011 đã đào tạo được hơn 5 nghìn phóng viên, biên tập viên; giai đoạn 2 là xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu của Việt Nam để đi đào tạo lại cho phóng viên báo chí Việt Nam; giai đoạn 3 là hình thành Trung tâm bồi dưỡng, kỹ năng, nghiệp vụ báo chí thuộc Cục Báo chí. Tiếp nối dự án trên, năm 2019, Bộ TT và TT giao Cục Báo chí cùng các đơn vị liên quan triển khai dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”. Dự án đem lại giá trị thiết thực cho báo chí về tiếp cận công nghệ mới của báo chí, về kinh tế báo chí, chuyển đổi số và các kỹ năng, phương pháp làm báo mới. Hàng trăm phóng viên, biên tập viên đã được tiếp cận với những kiến thức mới do dự án đem lại…
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ những vấn đề cơ bản, quan trọng, cốt lõi của ngành TT và TT nói chung và lĩnh vực báo chí nói riêng từ khi ra đời của Báo chí Cách mạng Việt Nam với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra báo Thanh Niên 21-6-1925. Trải qua gần 100 năm với nhiều giai đoạn lịch sử, báo chí cách mạng đã khẳng định vai trò và vị thế trong đấu tranh cách mạng cũng như phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội. Đề cập đến vấn đề phát triển báo chí bền vững, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chú trọng đến vấn đề quản lý Nhà nước về báo chí. Trong xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi số báo chí, Cục Báo chí phải đi đầu, tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi trong cách thức làm việc để đạt được hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy báo chí phát triển.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cục Báo chí; trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí. Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí./.
Tin, ảnh: Xuân Thu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin