Hà Tĩnh Ngày 22-4, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và đối tác chiến lược là Hana Bank (Hàn Quốc) đã tổ chức khánh thành và trao tặng 3 nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ tại huyện Đức Thọ và huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh).
Ba công trình là nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ tại 3 thôn: Thôn Yên Mỹ, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ; thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên và thôn Ngụ Phúc, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên được BIDV và Hana Bank tài trợ với số tiền 2,5-2,6 tỷ đồng. Các nhà văn hóa được xây dựng 2 tầng với diện tích sàn 500m2, có sức chứa khoảng 150 người, với thiết kế kiến trúc đồng nhất theo chuỗi nhà do BIDV tài trợ các địa phương. Trong điều kiện bình thường, công trình phục vụ hoạt động hội họp, văn hóa, thể dục, thể thao... của người dân. Khi có thiên tai bão lũ, tầng một sẽ là nơi trú cho vật nuôi, còn tầng hai dùng làm nơi ở tránh trú đảm bảo an toàn cho người dân... Nhờ đó, công trình góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thái Nguyên: Triển khai 40ha chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam
Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam giai đoạn 2023-2024, với tổng diện tích 40ha. Có 7 hợp tác xã (HTX) chè tham gia mô hình, gồm: HTX chè Văn Hán, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (6ha); HTX chè Hảo Đạt (5ha), HTX chè trung du Tân Cương (5ha), HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên (5ha), cùng ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; các đơn vị của huyện Đại Từ là HTX chè Nhật Thức, xã Phục Linh (7ha), HTX chè La Bằng, xã La Bằng (7ha) và HTX chè Hải Yến, xã Phú Thịnh (5ha). Đây đều là những HTX đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hiện đang sản xuất chè theo hướng hữu cơ, có vùng sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Khi tham gia mô hình, các HTX được tập huấn, tư vấn, hướng dẫn thành lập ban quản lý, ban giám sát nội bộ; xây dựng quy chế hoạt động; vẽ sơ đồ giải thửa vùng sản xuất, lập danh sách mã số lô, thửa; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia… Đồng thời, các HTX được hỗ trợ kinh phí mua vật tư, chế phẩm sinh học, phân bón (10 tấn phân bón/ha/năm), thuốc bảo vệ thực vật; kinh phí tham gia quá trình đánh giá và cấp chứng nhận chuyển đổi sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam... Tổng kinh phí thực hiện mô hình là khoảng 2,5 tỷ đồng (trích từ nguồn khuyến nông địa phương) và triển khai theo hình thức đối ứng. Trong đó các HTX thuộc khu vực thành phố Thái Nguyên đối ứng 50%, các HTX vùng huyện đối ứng 30%./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin