Sáng 25-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo ngành NN và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở: NN và PTNT, KH và CN, Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Giai đoạn vừa qua, KHCN đã đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển ngành Nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, an toàn và gia tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường. Nhiều nghiên cứu khoa học, đề tài, sáng kiến đã giải quyết những vấn đề bức thiết từ thực tiễn sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế - xã hội; nhất là trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản... Các dự án, đề tài KHCN phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển ngành Nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở, vật chất kỹ thuật cho hoạt động KHCN lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp; chưa thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đội ngũ nhân lực KHCN, nhất là lực lượng chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn còn rất ít...
Tại Nam Định, trong 5 năm qua toàn tỉnh đã xây dựng được 193 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tiêu biểu như mô hình sản xuất rau theo công nghệ Nhật Bản; nghiên cứu ứng dụng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo; nghiên cứu ứng dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm, năng suất 18 tấn/ha, lãi hơn 600 triệu đồng/ha. Các mô hình được triển khai đúng thời vụ, cây trồng, vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt, an toàn dịch bệnh, hiệu quả kinh tế tăng từ 10% trở lên so với sản xuất đại trà; từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, toàn ngành Nông nghiệp có gần 100 sáng kiến, giải pháp được Hội đồng Khoa học ngành công nhận; có 4-6 sáng kiến, giải pháp được công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Tuy vậy, hiện nay trình độ phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh ta còn thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng nông sản chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào các ưu thế về tự nhiên, đất đai và sức lao động nên dễ bị tổn thương trước thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu từ thực tiễn…
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đưa KHCN trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và quốc tế, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại. Xây dựng hệ thống các tổ chức KHCN ngành Nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất; góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Tiếp tục nâng cao sự đóng góp của KHCN và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN của các tổ chức KHCN công lập và khu vực tư nhân…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: KHCN có vai trò quan trọng và quyết định trong tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Vì vậy các đơn vị trực thuộc cũng như các viện, trường phải nhận thức rõ và cụ thể hóa Chiến lược bằng hành động trong lĩnh vực mình quản lý. Bộ NN và PTNT sẽ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hợp lý, đồng bộ để động viên, khuyến khích thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà khoa học, chuyên gia tham gia nghiên cứu, phát triển thực hiện các nhiệm vụ KHCN phục vụ xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Gắn kết chặt chẽ các cơ quan khoa học Trung ương với các tỉnh, thành phố để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ trong quản lý, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng phục vụ phát triển ngành Nông nghiệp. Huy động và phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp… cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KHCN phát triển ngành Nông nghiệp. Có chính sách hỗ trợ các địa phương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn./.
Tin, ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin